Ô nhiễm không khí khiến cho hơn 6 triệu người chết mỗi năm

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổ chức Y thế Thế giới (WHO), cứ 10 người lại có 9 người đang phải hít thở không khí kém chất lượng. WHO kêu gọi cần có hành động quyết liệt để chống lại tình trạng ô nhiễm không khí khiến cho hơn 6 triệu người chết mỗi năm.

Ô nhiễm không khí khiến cho hơn 6 triệu người chết mỗi năm - 1

Ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối tại các thành phố, nhưng chất lượng không khí tại các vùng nông thôn còn xấu hơn mức nhiều người nghĩ. Chất lượng không khí tại các nước nghèo thấp hơn nhiều so với thế giới phát triển, nhưng tình trạng ô nhiễm trên thực tế lại "ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới và tất cả các bộ phận của xã hội", Maria Neira, trưởng ban Y tế cộng đồng và môi trường thuộc WHO nói. “Đây là vấn đề cấp thiết của y tế cộng đồng. Cần nhanh chóng hành động để giải quyết ô nhiễm”. Maria hối thúc chính phủ các nước giảm số lượng xe lưu thông trên đường, cải thiện hoạt động quản lý chất thải và khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch để nấu ăn.

Báo cáo của WHO được biên soạn trên cơ sở dữ liệu thu thập từ 3.000 địa điểm trên toàn cầu, nêu rõ “92% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí vượt quá ngưỡng giới hạn của WHO". Dữ liệu tập trung vào chất hạt nguy hại có đường kính dưới 2,5 micro mét hay PM 2,5. PM 2,5 bao gồm các chất độc hại như sunfat và cacbon đen, có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch. Theo WHO, tính bình quân hàng năm, mỗi m3 không khí chứa từ 10 microgam chất hạt PM 2,5 trở lên được coi là không đạt chuẩn.

Ở một số vùng, dữ liệu vệ tinh đã được bổ sung bằng các số đo PM 2,5 trên mặt đất, nhưng phần lớn các nước đang phát triển không có dữ liệu này nên WHO phải dựa vào các ước tính sơ bộ. Dù thiếu dữ liệu nhưng Neira cho rằng WHO hiện có nhiều thông tin về các chất ô nhiễm trong không khí. Sử dụng cả các số đo từ vệ tinh và trên mặt đất "là bước tiến lớn hướng tới các đánh giá tin cậy hơn về gánh nặng toàn cầu” liên quan đến chất lượng không khí bẩn.

Sáu triệu người chết mỗi năm

Theo ước tính của WHO, hơn 6 triệu người chết mỗi năm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà. Ô nhiễm không khí ngoài trời được cho là khiến hơn 3 triệu người tử vong mỗi năm. Nhưng, ô nhiễm không khí trong nhà cũng nguy hại không kém, đặc biệt tại các hộ gia đình ở các nước nghèo đang phát triển thường đốt than củi để nấu ăn.

Dữ liệu của WHO cho thấy: Gần 90% trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Malayxia và Việt Nam bị tác động mạnh nhất.

Carlos Dora, điều phối viên Ban Y tế công cộng và môi trường thuộc WHO, cho rằng một số chiến lược đã được áp dụng để chống lại tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng mới chỉ mang lại hiệu quả hạn chế.

Ví dụ, các cảnh báo về chất lượng không khí như thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã làm, mang lại lợi ích không đáng kể cho người dân, vì mối đe dọa thực tế là việc tiếp xúc với chất lượng không khí dưới mức trung bình trong thời gian dài.

Vào tháng 5 năm nay, WHO đã từng công bố báo cáo nêu rõ 80% người dân thành phố trên thế giới hít thở không khí kém chất lượng. Tại các nước nghèo, con số này đã tăng lên 98%.

N.P.D-NASATI (Theo Phys)