"Niềm vui của một nhà khoa học đó là tạo nên những khám phá thú vị"

(Dân trí) - “Niềm vui của một nhà khoa học đó là tạo nên những khám phá thú vị, chia sẻ chúng với người thân và đồng nghiệp, và cuối cùng là được ghi nhận xứng đáng”, TS Đỗ Quốc Tuấn chia sẻ tại buổi lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

“Ngày đặc biệt trong sự nghiệp khoa học của tôi”

Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ thuộc về TS. Đỗ Quốc Tuấn. Tiến sĩ là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: T. Q. Do, 2016. Higher dimensional nonlinear massive gravity. Physical Review D 93, 104003.

TS. Đỗ Quốc Tuấn là tác giả duy nhất đứng tên trong công trình nghiên cứu này về vật lý vũ trụ, được công bố trên tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Physical Review D năm 2016. Đây là một trong những tạp chí uy tín hàng đầu trong giới vật lý lý thuyết, thuộc hệ thống tạp chí của Hội Vật lý Mỹ. Trong khi các bài báo vật lý thường dài 6-10 trang, thời gian công bố mất từ 4 đến 6 tháng hoặc thậm chí một năm, thì bài báo của tiến sĩ Tuấn dày 21 trang và công bố chỉ trong hai tháng do không phải sửa chữa gì về nội dung.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 dành cho nhà khoa trẻ TS. Đỗ Quốc Tuấn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 dành cho nhà khoa trẻ TS. Đỗ Quốc Tuấn.

Phát biểu tại buổi lễ nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ, TS Đỗ Quốc Tuấn bày tỏ: Hôm nay, ngày 18/5, ngày được chính phủ chọn để tôn vinh các nhà khoa học với những công việc nghiên cứu, giảng dạy khoa học thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng. Ngày hôm nay là dịp để cả xã hội nghĩ về những cống hiến của các nhà khoa học với sự biết ơn sâu sắc.

Hãy cùng tôi điểm lại một vài nhà khoa học mà các nghiên cứu cơ bản của họ đã góp phần thay đổi nền văn minh của loài người. Chân dung của họ được treo trang trọng không những ở trong hội trường này mà còn ở khắp nơi trên thế giới: Nếu không có Newton với ba định luật cơ học, chúng ta không có những cơ sở lý thuyết vững chắc để chế tạo ra những thiết bị cơ khí, máy móc, phương tiện đi lại, giải phóng sức lao động của con người.

Nếu không có Maxwell với các phương trình điện từ, chúng ta không có các thiết bị liên lạc, truyền tín hiệu không dây, thứ làm cho mọi người trên thế giới trở nên gắn kết với nhau; Nếu không có Planck với thuyết lượng tử, chúng ta không có các thiết bị điện tử bán dẫn như tivi, điện thoại, máy tính nhỏ gọn, không có pin mặt trời – nguồn năng lượng xanh như hôm nay; Nếu không có Einstein với thuyết tương đối chúng ta chưa chắc đã có những hiểu biết sâu rộng về vật chất và vũ trụ như bây giờ.

“Tôi tin chắc rằng ngay cả các nhà khoa học vĩ đại vừa nêu trên cũng không thể hình dung ra hết những ứng dụng to lớn sau này cho nhân loại từ các kết quả nghiên cứu của họ. Như nhà khoa học đoạt giải Nobel về Sinh lý học và Y học năm 1993, Richard Roberts, đã từng nói “Vẻ đẹp của nghiên cứu ở chỗ đó là bạn không bao giờ biết được nó sẽ dẫn đến đâu”. Hay như nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2012, Serge Haroche, đã từng nói “Ngay cả những người thông minh nhất cũng không thể hình dung ra hết các hệ quả của nghiên cứu mà họ tiến hành”. Có thể nói, mọi đột phá về khoa học – công nghệ đều bắt nguồn từ những nghiên cứu hết sức cơ bản” – TS Đỗ Quốc Tuấn nói.

Cũng theo TS Tuấn, với việc xây dựng nên giải thưởng mang tên vị bộ trưởng, nhà khoa học tài ba, Tạ Quang Bửu, để vinh danh các nghiên cứu cơ bản xuất sắc của các nhà khoa học làm việc trong nước, Bộ KH-CN đã cho xã hội thấy sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của khoa học cơ bản nước nhà. Đây là một việc làm hết sức kịp thời và đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khoa học cơ bản dường như đang bị xem nhẹ hơn so với khoa học ứng dụng.

“Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, Andrew Strominger của đại học Harvard từng nói trong lễ trao giải thưởng Đột Phá về Vật lý Cơ bản năm 2017 với đại ý như sau: “niềm vui của một nhà khoa học đó là tạo nên những khám phá thú vị, chia sẻ chúng với người thân và đồng nghiệp, và cuối cùng là được ghi nhận xứng đáng”. Hôm nay, dường như tôi đã có trọn niềm vui nho nhỏ của một nhà khoa học với sự nghiệp nghiên cứu còn non trẻ” – TS Đỗ Quốc Tuấn bộc bạch.

“Hôm nay quả thực là một ngày đặc biệt trong sự nghiệp khoa học của tôi. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với bố mẹ mình rằng con đã làm được điều mà bố mẹ đã mong chờ từ lâu. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với vợ thân yêu rằng em đã có một sự lựa chọn không tồi”

“Giấc mơ nhiên liệu sạch H­2- Xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết sức mình”

Là một trong hai tác giả được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, TS Trần Đình Phong cho biết: “Công trình được lựa chọn trao giải là một nghiên cứu trong chuỗi những nghiên cứu mà tôi và đồng nghiệp đang tiến hành với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo có thể chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển tạo ra nhiên liệu sạch H2. Với chúng tôi, đây là một giấc mơ đẹp, nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình”.


TS Trần Đình Phong -Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS Trần Đình Phong -Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS Phong cũng cho hay, hiện nay đang có nhiều các trung tâm lớn trên thế giới thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu H2 thay thế xăng dầu còn rất xa.

“Cũng có lúc, bên lề các hội thảo quốc tế, những người làm nghiên cứu tự hỏi nhau liệu chúng tôi có đang “mơ” một giấc mơ quá lớn hay không? Có thể, trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng. Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công”, TS Trần Đình Phong tâm sự.

Thẳng thắn nhìn nhận, TS Phong cũng cho rằng: “Trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích. Chúng ta cũng biết rằng có những phát minh được đưa ra một cách hoàn toàn bất ngờ không được chuẩn bị. Điện cực Clark để đo nồng độ O2 trong máu là một ví dụ như vậy. Nó được Leland Clark, một nhà hóa học tại Ohio Mỹ, phát triển năm 1953 khi ông đang mải miết chế tạo các máy tạo O2 phục vụ cho các ca mổ tim. Nó được phát triển khi các nghiên cứu của Clark về máy tạo O2 bị từ chối nhận công bố vì ông đã không thể đo được nồng độ O2 trong máu sau khi chạy qua chiếc máy của mình. Nhờ điện cực Clark đó chiếc máy đo đường trong máu đầu tiên được phát minh sau đó, vào năm 1962. Những phát kiến kể trên hoàn toàn ngoài mong muốn ban đầu của Clark.

Nhưng cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật như vậy thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề”.

“Ở đây, những người làm chính sách và lãnh đạo khoa học công nghệ có vai trò quyết định. Có lẽ cần phải chuẩn bị đủ lâu và đủ rộng để có những khám phá bất ngờ. Tôi mong rằng có một sự thấu hiểu và tin tưởng giữa các nhà quản lí khoa học và các nhà khoa học. Có niềm tin, các nhà khoa học sẽ chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm tốt hơn nữa công việc của mình mà không phải bận tâm tìm hiểu các nguyên nhân khác, dù có dù không, khi nghiên cứu của mình chưa nhận được tài trợ. Có niềm tin, các nhà quản lí có thể dần đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học bớt thời gian làm các việc ngoài khoa học. Tôi tin rằng khi đó hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao”, TS Phong khẳng định.

Nguyễn Hùng