Những loài cây ký sinh “đáng kinh ngạc” nhất thế giới

(Dân trí) - Không chỉ ở mỗi động vật, trong thế giới của thực vật cũng tồn tại một vài thành viên dành cả đời sống ký sinh trên cơ thể “kẻ khác”. Với những loài cây này, cấu tạo cơ thể và tập tính “kiếm ăn”cũng như sinh sản sẽ được biến đổi trở nên hết sức đặc biệt.

Những loài cây ký sinh “đáng kinh ngạc” nhất thế giới - 1

Rafflesia arnoldii là loài hoa đơn lớn nhất trên thế giới, ở thời điểm hiện tại. Theo các số liệu ghi nhận được, một bông hoa Rafflesia arnoldii sẽ có đường kính 1 mét và nặng khoảng 11 kg. Mặc dù có vẻ ngoài màu nâu đỏ hết sức sặc sỡ, mùi hương mà bông hoa khổng lồ này phát ra lại rất kinh dị. Cụ thể, những người từng có cơ hội “gặp gỡ” hoa Rafflesia arnoldii mô tả rằng, nó phát ra thứ mùi như thịt thối rữa.

Do đó, chúng còn được gọi với cái tên “hoa Xác Chết”! Dưới góc độ khoa học, mùi hương “khó ưa” với loài người này lại giúp hoa Rafflesia arnoldii thu hút các loài ruồi đến thụ phấn giúp nó. Tuy nhiên, Rafflesia arnoldii sẽ không thực sự quá đặc biệt nếu chỉ dừng lại ở những thông tin vừa đề cập ở trên. Nếu để ý kỹ bức hình, bạn sẽ nhận ra rằng, bông hoa này không hề có lá đi kèm.

Trên thực tế, Rafflesia arnoldii là một loài thực vật ký sinh bắt buộc. Rafflesia arnoldii không có khả năng tự quang hợp, để tồn tại, nó phải sống ký sinh và hút chất dinh dưỡng từ rễ của loài cây khác. Chính vì điều này, chúng ta gần như chỉ có thể nhận diện sự có mặt của một cây Rafflesia arnoldii khi nó nở hoa.

Những loài cây ký sinh “đáng kinh ngạc” nhất thế giới - 2

Đối lập với kích thước khổng lồ của hoa Rafflesia arnoldii, một loài cây ký sinh khác là Pilostyles thurberi lại chỉ có chiều dài ước đạt 6 mm. Được biết, Pilostyles thurberi là một loài thực vật bản địa của các hoang mạc Bắc Mỹ.

Với một cấu trúc cơ thể đặc biệt: không có cả lá, rễ và chất diệp lục, Pilostyles thurberi dành gần như toàn bộ phần đời của mình trong người vật chủ. Trong trường hợp này chính là cành của các loài cây họ đậu. Sự hiện diện của Pilostyles thurberi chỉ được phát hiện khi nó phá vỡ lớp vỏ của vật chủ để nở hoa. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mỗi cá thể cây Pilostyles thurberi chỉ có thể sản sinh ra một loài hoa: cái hoặc đực.

Những loài cây ký sinh “đáng kinh ngạc” nhất thế giới - 3

Dây Tơ Hồng là một loài thực vật ký sinh rất phổ biển ở Việt Nam. Khác với Rafflesia arnoldii và Pilostyles thurberi, Dây Tơ Hồng lại cho thấy sự hiện diện của mình 24/24 với hệ thống các dây leo không có lá, màu vàng, bám dày đặc lên vật chủ của chúng.

Dây Tơ Hồng có một lượng rất nhỏ diệp lục trong cơ thể. Thành phần này có thể giúp chúng tự tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, nguồn năng lượng ít ỏi này chỉ đủ cung cấp trong giai đoạn từ khi vừa nảy mầm cho đến lúc tìm được vật chủ để ký sinh. Khi đã tìm thấy vật chủ phù hợp, Dây Tơ Hồng sẽ phát triển một cơ quan có hình dáng như rễ, gọi là giác mút, để neo, thâm nhập vào cành của vật chủ và hút dần nước, chất dinh dưỡng của cây đó để làm thức ăn nuôi sống mình.

Thông thường sự ký sinh của Dây Tơ Hồng sẽ dẫn đến cái chết cho vật chủ sau một thời gian. Chưa dừng lại ở đó, qua các nghiên cứu, giới khoa học còn tìm thấy rất nhiều khả năng đặc biệt của Dây Tơ Hồng, để thích nghi với cuộc sống ký sinh. Cụ thể, Dây Tơ Hồng non có thể định vị được vị trí các cá thể cây phù hợp cho việc ký sinh bằng một thụ quan đặc biệt, tương tự khứu giác ở người. Đáng kinh ngạc hơn, khả năng này còn cho phép Dây Tơ Hồng lựa chọn được vật chủ nào tốt hơn cho việc ký sinh của mình.

Thảo Vy

Theo Britanica