Những khám phá thiên văn kỳ thú của Hy Lạp cổ đại

(Dân trí) - Kéo dài khoảng 350 năm, nền văn minh Hy Lạp cổ đại là một trong những nền văn minh lớn nhất, bắt đầu từ khoảng năm 776 trước Công nguyên, và kết thúc với sự sụp đổ của Alexander Đại đế.

Những khám phá thiên văn kỳ thú của Hy Lạp cổ đại - 1

Tuy nhiên, mặc dù tồn tại không quá lâu, nhưng người Hy Lạp cổ đại vẫn là những người sáng tạo và tìm cách phát minh ra nhiều thứ mà vẫn còn hữu ích đến tận ngày nay. Từ ngọn hải đăng, đến đồng hồ báo thức, đồng hồ đo quãng đường, và thậm chí là cả tua-bin nước – không hề thiếu sự sáng tạo của những bộ óc thông minh thời bấy giờ.

Tất nhiên, những người thông minh cũng sẽ là những người tò mò nhất, vì vậy không có gì lạ khi người Hy Lạp cổ đại cũng đã dõi đôi mắt lên trời, tìm cách khám phá ra các hiện tượng thiên văn mà ở thời đại ngày nay vẫn còn đúng. Sau đây là một số phát hiện vĩ đại của họ:

Các hành tinh quay quanh Mặt trời

Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra bởi Aristarchus của Đảo Samos (năm 310 đến 230 trước Công nguyên), ông đã đưa ra quan điểm rằng mặt trời là "ngọn lửa trung tâm" của vũ trụ, và ông đặt tất cả các hành tinh xung quanh nó, đưa ra những hiểu biết sớm nhất về thuyết Nhật tâm của hệ mặt trời.

Thật không may, văn bản gốc mà trong đó ông đưa ra lập luận này đã bị mất, vì vậy không ai biết rằng Aristarchus đã xoay sở để nghiên cứu tất cả những điều đó như thế nào, và làm thế nào mà ông có thể đặt tất cả các hành tinh theo đúng thứ tự khoảng cách trong học thuyết của mình. Tuy nhiên, đây là một phát hiện đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi nó chỉ được phát hiện lại vào thế kỷ 16 bởi Nicolaus Copernicus, người đã thừa nhận Aristarchus trong công trình của mình.

Aristarchus biết rằng Mặt trời lớn hơn Trái Đất hay Mặt trăng rất nhiều, và ông đã có thể phỏng đoán rằng do đó nó phải có vị trí trung tâm trong hệ Mặt trời.

Kích thước của mặt trăng

Một trong những cuốn sách của Aristarchus còn tồn tại viết về kích thước và khoảng cách của Mặt trời và Mặt trăng. Trong chuyên luận đáng chú ý này, Aristarchus đã thực hiện những nỗ lực sớm nhất để tính toán kích thước và khoảng cách tương đối giữa Mặt trời và Mặt trăng.

Từ lâu người ta đã quan sát thấy Mặt trời và Mặt trăng dường như có cùng kích thước trên bầu trời, và Mặt trời ở xa hơn rất nhiều. Họ đã nhận ra điều này từ nhật thực, xuất hiện do Mặt trăng đi qua phía trước Mặt trời ở một khoảng cách nhất định so với Trái đất.

Aristachus đã sử dụng tam giác Pithagoras (Pytago) để ước tính rằng khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt trời gấp 18 đến 20 lần khoảng cách đến Mặt trăng. Ông cũng ước tính rằng kích thước của Mặt trăng xấp xỉ một phần ba Trái Đất, dựa trên việc căn thời gian nguyệt thực cẩn thận.

Những khám phá thiên văn kỳ thú của Hy Lạp cổ đại - 2

Và mặc dù ước tính của ông về khoảng cách tới Mặt trời quá nhỏ (tỷ lệ thực tế là 390) do thiếu kính thiên văn chính xác vào thời điểm đó, tính toán của ông về tỷ lệ kích thước của Trái đất với Mặt trăng lại chính xác đến ngạc nhiên (đường kính Mặt trăng bằng 0,27 lần đường kính Trái Đất).

Máy tính thiên văn đầu tiên

Máy tính cơ học tồn tại lâu đời nhất trên thế giới được gọi là Cỗ máy Antikythera, được phát hiện trong một con tàu đắm cổ ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp năm 1900.

Những khám phá thiên văn kỳ thú của Hy Lạp cổ đại - 3
Đây là mảnh lớn nhất của cỗ máy Antikythera, được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Athens, Hy Lạp

Thiết bị này hiện nay đã bị phân mảnh do tác động của thời gian, nhưng khi còn nguyên vẹn, nó sẽ xuất hiện dưới dạng một chiếc hộp với hàng chục bánh răng bằng đồng được gia công tinh xảo.

Khi xoay một cách thủ công bằng tay, các bánh răng làm quay mặt bên ngoài hiển thị các giai đoạn của Mặt trăng, thời gian nguyệt thực, và vị trí của năm hành tinh đã được biết đến thời bấy giờ (sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ) ở những thời điểm khác nhau trong năm.

Không ai biết nó do ai chế tạo ra, nhưng nó có niên đại từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, một số người suy đoán rằng đó là tác phẩm của Archimedes.

Ngọc Anh 

Theo Medical Daily/Live Science