Nhớ mãi nhà dinh dưỡng huyền thoại!

(Dân trí) - GS Từ Giấy thuộc thế hệ thanh niên trí thức “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Ông vốn là sinh viên y khoa năm cuối, đã có mặt trong “đoàn quân Nam tiến” khi Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ từ ngày 23-9-1945 và ông trở thành y sĩ mặt trận phía nam.

Qua quá trình phục vụ chiến đấu, vừa làm vừa học, ông đã trở thành một GS đầu đàn của ngành dinh dưỡng Việt Nam, được quốc tế tôn vinh là “huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”.


GS Từ Giấy - Nhà dinh dưỡng huyền thoại của Việt Nam

GS Từ Giấy - Nhà dinh dưỡng huyền thoại của Việt Nam

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” của những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, chỉ 21 ngày sau khi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình thì ngày 23-9, quân Pháp - núp sau quân đội Anh vào tước vũ khí quân đội Nhật- đã nổ súng xâm lược Nam Bộ. Nghe theo tiếng kêu gọi “sơn hà nguy biến” lúc đó, người sinh viên y khoa Từ Giấy đã tự nguyện “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu“ tham gia đoàn quân Nam tiến và trở thành y sĩ mặt trận phía nam (1945-1946). Sau đó trở ra miền Bắc, tiếp tục hoạt động trong ngành quân y, làm chủ bút báo Vui Sống truyền bá nếp sống vệ sinh phòng bệnh và cách ăn uống hợp ly, tận dụng nguồn thực phẩm tại chỗ (kể cả rau rừng) để chăm lo sức khỏe cho quân đội (1946-1952). Thời gian tiếp theo, BS Từ Giấy được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Phòng bệnh –Cục Quân y; rồi Trưởng Ban phòng bệnh Quân đội ở Mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô trở về, ông được giao trách nhiệm làm chủ nhiệm khoa Vệ sinh quân đội của Học viện Quân y, sau đó làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ăn-Mặc, Phó cục trưởng Cục Quân nhu. Ông đóng góp nhiều công sức vào việc nghiên cứu tiêu chuẩn ăn và mặc cho các quân binh chủng trong những điều kiện chiến trường khác nhau, kể cả việc nghiên cứu chất lượng dinh dưỡng của các loại rau rừng để làm thực phẩm; các loại lương khô bằng nguồn lương thực-thực phẩm tại chỗ…

Có một điều khá đặc biệt là khi đã 60 tuổi (1980), GS Từ Giấy còn được Nhà nước ta bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ông đóng góp công lao to lớn vào việc xây dựng và phát triển viện trong 14 năm (1980-1993), hoàn thành xuất sắc nhiều chương trình, đề tài về dinh dưỡng, phát huy vai trò của một Viện đầu ngành dinh dưỡng có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Thời gian này, ông còn tham gia công tác giảng dạy, trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng của Trường Đại học y khoa Hà Nội

Trong điều kiện thực tiễn thời kỳ ấy, nước ta còn là nước chậm phát triển, lại trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá nặng nề, dời sông nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng nông thôn rộng lớn còn rất thiếu các nguồn dinh dưỡng thiết yếu để chăm sóc sức khỏe. Vì thể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở mức cao; người già và các bà mẹ có thai hay đang cho con bú cũng trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đấy là điều GS Từ Giấy cũng như những đồng nghiệp của ông hết sức trăn trở . Từ đó, , GS Từ Giấy đề xuất xây dựng mô hình VAC (Vườn-Ao-Chuồng) để chủ động tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng, phong phú từ mỗi gia đình nông dân.. Đây là mô hình hệ sinh thái hợp lý, có tác động hỗ trợ lẫn nhau, có căn cứ khoa học, có thể phát triển ở hầu hết các vùng nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mọi người, nhất là trẻ em, người già, các bà mẹ mang thai hay đang cho con bú… Mô hình này được Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) không ngừng phát triển với nhiều loại hình khác nhau, rất đa dạng, phong phú trên nhiều vùng sinh thái, ở cả miền bắc, miền nam và phát huy tác dụng rộng lớn cho đến ngày nay.

Sau khi thôi làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng. GS Từ Giấy đã ở tuổi 72, ông vẫn say sưa hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình, là người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hội Dinh dưỡng Việt Nam, ủy viên sáng lập và thường vụ Hội Làm vườn VN (VACVINA), chủ nhiệm chương trình phòng chống thiếu Vitamin A và bệnh khô mắt...

Với công lao đóng góp to lớn và đầy sáng tạo trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, GS Từ Giấy được Nhà nước ta trao tặng nhiều phần thưởng cao quý : Anh hùng Lao động (năm 2000), Thầy thuốc Nhân dân (1989); Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-công nghệ; Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều huân chương khác.

Những đóng góp xuất sắc của GS Từ Giấy trong lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng cũng như tấm gương cả đời say mê cống hiến cho khoa học của ông đã được ghi nhận và tôn vinh ở tầm quốc tế, cả khu vực và thế giới.

.Năm 1993, tạp chí "Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng" châu Á - Thái Bình dương đã bình chọn GS Từ Giấy là người đầu tiên để trao giải thưởng "Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á".

Tháng 3 năm 2008, ông được Ủy ban Dinh dưỡng Liên Hiệp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”.

Tháng 10/2009 tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng lần thứ XIX (tại Thái Lan), GS Từ Giấy được vinh danh là 1 trong 20 “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”, ghi nhận những đóng góp lớn lao ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.


Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (thứ 4, từ trái sang) cùng gia đình, bạn bè đồng nghiệp của GS Từ Giấy tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông - Ảnh: Từ Lương

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (thứ 4, từ trái sang) cùng gia đình, bạn bè đồng nghiệp của GS Từ Giấy tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông - Ảnh: Từ Lương

Sinh thời, GS Từ Giấy (1921-2009) vốn là con người sống giản dị, cởi mở và khiêm nhường. Ông sống trong một căn hộ cũng giống như nhiều căn hộ khác ở khu tập thể quân đội 12A Lý Nam Đế (Hà Nội). Nhiều năm làm báo về lĩnh vực khoa học , tôi có nhiều dịp được gặp ông qua những cuộc họp hoặc đến tận nhà, nhất là những dịp trước Tết để nhờ ông viết bài về dinh dưỡng hợp ly trong ngày Tết. Được nghe tên tuổi của bác sĩ Từ Giấy từ ngày ông làm chủ bút báo Vui Sống, một tờ báo phổ biến kiến thức dinh dưỡng, về phòng bệnh và xây dựng nếp sống vệ sinh cho quân đội, nhưng với cách viết dễ hiểu, dí dỏm và rất sát tình hình khó khăn trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, cho nên tờ báo này không chỉ phát huy tác dụng trong quân đội mà cả trong nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên thời kỳ đó. Khi nhắc đến tờ báo Vui Sống, ông như trẻ lại và vui vẻ nhận viết bài, mặc dù thời gian gấp gáp, lại bận nhiều công việc. Lúc đó, ông vừa làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng vừa là chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước . Có lần đến xin bài, tôi đã chào ông ra về thì thấy ông ân cần gọi lại, thân mật nói: “Chắc anh làm tờ báo ra hằng ngày thì bận lắm, thời gian đâu mà xếp hàng. Nếu có phiếu đường sữa cho con nhỏ thì cứ đến cửa hàng số 5 Nam Bộ, nhà tôi làm cửa hàng trưởng ở đây Tuy việc đó đã có vợ tôi lo, nhưng thật lòng tôi thấy cảm động trước sự quan tâm và thái độ ân cần của ông.

Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng bây giờ nhìn ảnh ông , tôi vẫn thấy GS Từ Giấy như vẫn còn đó. Hằng ngày ông vẫn đến Viện Dinh dưỡng nằm bên công viên Pasteur (Hà Nội), Bà con nông dân ở nhiều vùng nông thôn vẫn có nhiều dịp gặp gỡ ông trong tình cảm gắn bó, thân thiết, mà ông đã dành cho việc chăm nom bữa ăn cho trẻ nhỏ, cho các cụ già, các bà mẹ đang mang thai hay đang cho con bú… Với tác phong hết sức giản dị, gần gũi và thân tình như người nhà, bà con nông dân đâu có biết đấy chính là GS Từ Giẩy, Người thầy thuốc cả đời cống hiến trong lĩnh vực dinh dưỡng, được thế giới tôn vinh là “Huyền thoại sống trong ngành dinh dưỡng thế giới”.

Có lẽ còn ít người biết rằng gia đình GS Từ Giấy có hai cha con đều là anh hùng. Người con đầu của ông là anh hùng lực lượng vũ trang, là phi công bay số 2 trong phi đội Quyết Thắng đánh vào sân bay Tân Son Nhất ngày 28-4-1975. Hai người con sau của GS cũng đều thành đạt. Nói về cha của mình, các anh đều tự hào về người cha kính yêu, là tấm gương sáng cho các con noi theo. Ông luôn gần gũi và khuyến khích các con tự lực phấn đấu vươn lên. Người con đầu của ông, anh Từ Đễ đã tình nguyện vào bộ đội từ năm 16 tuổi. Không ngờ sau này cả hai cha con đều được đóng góp vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra thời kỳ mới thống nhất đất nước, đưa hai miền nam-bắc trở lại sum họp trong Đại gia đình Việt Nam.

Thao Lâm