Nhà máy hút khí CO2 tạo ra năng lượng đầu tiên trên thế giới ở Thụy Sĩ

(Dân trí) - Thụy Sĩ vừa chính thức mở cửa và đưa vào hoạt động nhà máy có khả năng hút khí thải CO2 - tác nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đây là nhà máy hút khí CO2 để tạo ra năng lượng đầu tiên trên thế giới.

Nhà máy hút khí CO2 tạo ra năng lượng đầu tiên trên thế giới ở Thụy Sĩ

Nhà máy hút khí thải CO2 này được xây dựng bởi công ty Climeworks, công ty con của Đại học ETH Zurich ở Thụy Sĩ, tại một khu vực nằm giữa nhà máy đốt rác thải và một nhà kính lớn. Đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ lọc khí CO2 trong không khí để tạo ra năng lượng. Công nghệ có thể giúp giảm 1% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu năm 2025.

Valentin Gutknecht, giám đốc phát triển kinh doanh ở Climeworks, cho biết. "Nhà máy bao gồm một số thiết bị thu thập CO2, những hộp lớn có máy lọc bên trong. Chúng tôi thổi không khí qua những hộp này trong vài giờ. Sau khi máy lọc đầy, chúng tôi đun nóng hộp đến 100 độ C để chiết xuất CO2 tinh khiết và phục hồi máy lọc. Nhà máy sẽ hút 900 tấn CO2 mỗi năm".

Được biết, lượng CO2 tinh khiết mà nhà máy lọc và chiết xuất từ không khí sẽ được công ty nông nghiệp Gebrüder Meier Primanatura sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của rau diếp.


Nhà máy có thể hút 900 tấn CO2 mỗi năm.

Nhà máy có thể hút 900 tấn CO2 mỗi năm.

Gebrüder Meier Primanatura ước tính CO2 từ nhà máy ở Hinwil sẽ giúp tăng sản lượng rau diếp lên 20 - 30%. Trước đó, Climeworks từng hợp tác với hãng xe Audi để nghiên cứu liệu có thể sử dụng công nghệ để sản xuất nhiên liệu nhân tạo từ CO2 thu trong không khí hay không.

Christoph Gebald và Jan Wurzbacher, hai nhà đồng sáng lập Climeworks, lần đầu tiên phát triển công nghệ thu khí trực tiếp Direct Air Capture (DAC) trong thời gian nghiên cứu tại Đại học ETH Zurich cuối những năm 2000. Vào thời điểm đó, nhóm nghiên cứu chỉ có thể lọc lượng CO2 nhỏ và không ai nghĩ hệ thống có thể khả thi về mặt thương mại.

Climeworks hy vọng có thể xây dựng 250.000 nhà máy tương tự vào năm 2025, giúp giảm 1% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.

Đoàn Dương(Theo Live Science)