Người khỏi bệnh Covid-19 có thể lây cho người khác không?

(Dân trí) - Virus corona có thể còn sống dai dẳng trong cơ thể người nhiều tuần sau khi người đó khỏi bệnh.

Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy virus corona mới có thể còn sống trong cơ thể người ít nhất 2 tuần sau khi người đó hết bệnh.

Người khỏi bệnh Covid-19 có thể lây cho người khác không? - 1

Các bác sĩ đang đọc hình ảnh chụp CT phổi ngày 20/2/2020 tại một bệnh viện ở thị trấn Vân Mộng, thành phố Hiếu Cảm, trung tâm tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết điều này không có gì là lạ đối với các virus nói chung và hầu hết các bệnh nhân không truyền mầm bệnh cho người khác sau khi khỏi bệnh. Chuyên gia dịch tễ học Krys Johnson của Trường đại học Y tế cộng đồng của Đại học Temple, Mỹ, cho biết những virus nào có xu hướng đeo bám lâu dài vào cơ thể con người cũng là những virus mà cơ thể chúng ta phát triển được hệ miễn dịch khỏe nhất để chống lại chúng.

Sau khi khỏi bệnh

Nghiên cứu mới này vừa được công bố trên tạp chí y khoa JAMA ngày 27/2. Bốn bệnh nhân Covid-19 tuổi từ 30 đến 36 được điều trị tại bệnh viện Chung Nam của Trường đại học Vũ Hán, Trung Quốc, từ ngày 1 – 15/2. Cả bốn bệnh nhân này đều đã hồi phục và chỉ có 1 người phải nhập viện trong thời gian bị ốm. Họ được kê thuốc Tamiflu, một loại thuốc kháng virus.

Các bệnh nhân này được kết luận là khỏi bệnh sau khi hết các triệu chứng và xét nghiệm 2 lần trong 2 ngày liền đều âm tính với virus corona mới. Sau khi phục hồi sức khỏe, họ phải tự cách ly ở nhà trong 5 ngày và tiếp tục được kiểm tra dịch trong họng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 13. Kết quả xét nghiệm những ngày này đều là dương tính. Từ đó, các nhà nghiên cứu nhận định ít nhất vẫn có một số người khỏi bệnh vẫn mang virus trong người.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng báo cáo trường hợp đầu tiên sau khi khỏi bệnh lại bị lại với các triệu chứng bệnh như cũ. So với các bệnh nhân trong nghiên cứu nói trên ở Trung Quốc, những người vẫn còn virus nhưng không có triệu chứng ốm trở lại, thì khả năng nữ bệnh nhân người Nhật này đã bị lây chủng mới của virus từ một người khác, hoặc cơ thể chưa đánh bại hoàn toàn virus nên nó bắt đầu sinh sôi trở lại trong phổi bệnh nhân.

Virus mức độ thấp

Theo nhà virus học Ebenezer Tumban ở Trường đại học Công nghệ Michigan, Mỹ, hiếm khi virus tồn tại trong cơ thể người ở mức độ thấp ngay cả sau khi người bệnh khỏi ốm. Ví dụ như virus Zika và Ebola vẫn bám dai dẳng nhiều tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. 

Bốn bệnh nhân ở Trung Quốc (trong nghiên cứu nói trên) đã được xét nghiệm để tìm ra các mẩu gen của virus trong cơ thể người. Thuốc Tamiflu mà họ sử dụng có thể đã làm giảm số lượng virus trong cơ thể họ xuống còn rất ít. Tại thời điểm dó, mẫu xét nghiệm không đủ độ nhạy để cho kết quả dương tính. 

Sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc kháng virus, virus có thể bắt đầu nhân bản trở lại ở mức độ thấp, chưa đủ để phá hủy tế bào vì thế người bệnh không có triệu chứng gì. Nhưng khi virus sinh sôi đủ thì xét nghiệm lại phát hiện ra. Khi đó, bệnh nhân vẫn khó có khả năng truyền virus cho người khác. Ho và hắt hơi làm bắn các hạt chứa virus ra xung quanh, nhưng những bệnh nhân này lại không ho hoặc hắt hơi. Lượng virus trong người họ cũng ít. Vì thế chỉ có những tiếp xúc thật gần gũi mới làm người khác bị lây virus.

Những người này cần hết sức lưu ý trong việc sử dụng chung đồ dùng với người trong nhà, như không dùng chung bát, cốc, và phải rửa tay thường xuyên.

 Suy giảm miễn dịch

Không có người nhà nào của bốn bệnh nhân nói trên dương tính với virus corona vào thời điểm công bố kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng những bệnh nhân này đều là những người làm việc trong ngành y và họ thực hiện rất đầy đủ các nguyên tắc về vệ sinh để tránh lây bệnh cho người khác khi ở nhà.

Virus đeo bám trong cơ thể có thể tạo cho cơ thể có phản ứng miễn dịch và không bị nhiễm khi lần sau gặp virus. Mặc dù vây, có nhiều câu hỏi về thời gian cơ thể có khả năng miễn dịch, ví dụ cơ thể miễn dịch được 2 năm với các chủng virus corona thông thường gây bệnh cúm. Và vẫn luôn luôn có khả năng virus corona mới sẽ đột biến khi nó lây lan trong cộng đồng, biến đổi thành một phiên bản mới mà hệ miễn dịch không nhận biết được. Thách thức chính là virus này đột biến nhanh đến mức nào. 

Những người bệnh trong nghiên cứu nói trên có cùng độ tuổi và tình trạng sức khỏe và họ không bị ốm nặng khi nhiễm Covid-19. Vì vậy, cần có thêm các nghiên cứu khác để hiểu được rõ hơn cơ chế hồi phục của bệnh nhân. Các nghiên cứu tiếp theo này cũng cần tìm hiểu số lượng virus trong phổi vì xét nghiệm dịch trong họng chỉ cho kết quả ở đường hô hấp trên, trong khi virus trú ngụ chính là ở phổi. Lấy mẫu bệnh phẩm ở phổi là biện pháp xâm lấn nhiều hơn, bao gồm cả việc lấy dịch từ túi phổi và xét nghiệm dịch này xem có các hạt virus hay không. Nghiên cứu nói trên cho thấy công tác giám sát lâu dài các bệnh nhân khỏi bệnh cũng như những người tiếp xúc với họ là việc rất quan trọng.

Chúng ta vẫn chưa biết liệu một người sau khi khỏi bệnh 1 đến 2 tuần thì số lượng virus trong máu hoặc trong phổi người đó có tăng lên đủ để truyền bệnh cho người khác hay không.

Phạm Hường

Theo Live Science