Người dân cần lưu ý gì khi tiếp cận với các thiết bị đo nồng độ cồn?

(Dân trí) - Gần đây xuất hiện thông tin về việc thiết bị đo nồng độ cồn bị sai số dẫn đến một số người dân bức xúc và không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ.

Người dân cần lưu ý gì khi tiếp cận với các thiết bị đo nồng độ cồn? - 1

Để làm sáng tỏ về thiết bị đo lường nồng độ cồn mà cảnh sát giao thông đang sử dụng để xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Điệp – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thưa ông, hiện nay các thiết bị đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông có thông qua kiểm định của Tổng cục đo lường hay không? Quá trình kiểm định các thiết bị này thì dung sai sai số cho phép là như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Theo quy định của pháp luật về đo lường, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở sử dụng trong hoạt động công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông là phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định tại tổ chức kiểm định được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng chỉ định. Theo báo cáo của các tổ chức kiểm định thì hiện nay các phương tiện đo nêu trên được kiểm định đúng quy định.

- Khi kiểm định, đặc tính kỹ thuật đo lường (trong đó có sai số) của các phương tiện đo nêu trên phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường tại Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.

 Với việc các thiết bị đo lường đều có sai số cho phép nhưng quy định lại cấm hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp. Điều này có dẫn đến bất cập không thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Về nguyên tắc thì các quy định này không trái nhau, quy định về sai số cho phép là đối với phương tiện đo, quy định về nồng độ cồn trong hơi thở là đối với người tham gia giao thông.

Hiện nay, Tổng cục đã phối hợp, góp ý để Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an hướng dẫn các lực lượng cảnh sát giao thông tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đo lường như: Các phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở phải được kiểm định và còn trong thời hạn giá trị của chứng chỉ kiểm định; Phải bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, yêu cầu sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.

Trường hợp phát hiện sai, hỏng phải dừng việc sử dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục… nhằm bảo đảm phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định và tránh được việc xử lý oan sai cho người được kiểm tra nồng độ cồn do những sai sót về nghiệp vụ kỹ thuật.

Thực tế trên mạng xã hội đang lan truyền clip về việc không dùng bất kỳ rượu bia và các đồ có chứa chất cồn và lên men nhưng khi thổi máy đo nồng độ cồn vẫn lên cao, sai số là khá lớn. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào? Các máy thiết bị đo nồng độ cồn bao lâu phải kiểm định trở lại để đánh giá việc sai số? 

Ông Nguyễn Hùng Điệp:  Những thông tin đưa trên mạng xã hội như nêu cần được các cơ quan chuyên môn về y sinh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, kiểm chứng.

- Theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hiện hành, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng.

Ông có lưu ý gì đối với người dân khi tiếp cận với các thiết bị đo nồng độ cồn? 

Ông Nguyễn Hùng Điệp:  Khi được yêu cầu tiếp cận với phương tiện đo nồng độ cồn, người dân cần lưu ý, kiểm tra xem phương tiện đo đã được kiểm định chưa? Kết quả đo nồng độ cồn có dấu hiệu sai lệch bất thường không?

Cụ thể: Cần quan sát, kiểm tra để bảo đảm phương tiện đo đã được dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem kiểm định; Chú ý kết quả đo thể hiện trên phương tiện đo, trường hợp kết quả đo có biểu hiện sai lệch bất thường thì đề nghị xem xét, kiểm tra lại phương tiện đo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng

Thực hiện