Nghiên cứu về cách cho trẻ chơi đồ chơi khoa học

(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy trẻ có quá nhiều đồ chơi dễ bị phân tâm, ít sáng tạo và không trân trọng thời gian chơi.

Nghiên cứu về cách cho trẻ chơi đồ chơi khoa học - 1

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo thuộc bang Ohio, Mỹ đã chọn 36 trẻ mới biết đi tham gia một thí nghiệm. Theo đó, trẻ sẽ vào một căn phòng trong nửa giờ với 4 đồ chơi hoặc 16 đồ chơi.

Qua thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trẻ sáng tạo nhiều hơn khi ở trong phòng có ít đồ chơi hơn. Trẻ chơi đồ chơi lâu gấp đôi, suy nghĩ về việc sử dụng mỗi đồ chơi lâu hơn, mở rộng cách chơi.

Tác giả kết luận rằng cha mẹ, trường học và nhà trẻ nên hạn chế số lượng đồ chơi, chỉ cần luân phiên một số đồ chơi nhất định. Điều này có thể khiến trẻ em sáng tạo hơn và tăng khả năng tập trung, chú ý.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Carly Dauch, cho biết: "Nghiên cứu nhằm xác định liệu số lượng đồ chơi có ảnh hưởng đến cách trẻ mới biết đi chơi trò chơi hay không. Kết quả là số lượng đồ chơi thực sự có ảnh hưởng đến thời gian và cách trẻ khám phá món đồ. Khi được cung cấp ít đồ chơi, trẻ sẽ chơi với món đồ lâu hơn và tập trung tốt hơn để khám phá và sáng tạo".

Trong cuốn sách của mình, tác giả Joshua Becker của cuốn ClutterFree with Kids cũng cho rằng ít đồ chơi hơn khuyến khích sự sáng tạo, tập trung và dạy trẻ về việc bảo quản đồ vật.

Ông chia sẻ: "Trẻ hiếm khi trân trọng đồ chơi trước mặt khi có vô số các lựa chọn khác. Trẻ em có quá nhiều đồ chơi sẽ quan tâm đến chúng ít hơn. Trẻ sẽ không học cách trân trọng khi biết vẫn luôn có những lựa chọn thay thế”.

Đoàn Dương (Theo Telegraph)