Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, dự phòng một số bệnh truyền nhiễm ở địa bàn trọng điểm

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia về “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, dự phòng một số bệnh truyền nhiễm ở địa bàn trọng điểm”. Đề tài do GS.TS Nguyễn Trọng Chính công tác tại Học viện Quân y cùng với 9 cộng sự thực hiện.

Việt Nam nằm trong khu vực được coi là "điểm nóng" của các bệnh lây từ động vật, bệnh truyền nhiễm mới nổi. Người dân có tập quán chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ; điều kiện vệ sinh rất kém, tập quán người dân ăn gỏi cá, ăn tiết canh, ăn gà chết. Trong các bệnh truyền từ động vật sang người, bệnh sốt mò, viêm não, sốt Lepto và liên cầu khuẩn lợn là những bệnh có nguy cơ bùng phát là rất cao.

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, dự phòng một số bệnh truyền nhiễm ở địa bàn trọng điểm - 1

Để kiểm soát được dịch bệnh, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm và khẳng định được ca bệnh. Việt Nam cho đến nay chưa có rất ít các phương tiện chẩn đoán O. Tsutsugamushi, Streptococcus suis, não mô cầu, xoắn khuẩn gây bệnh sốt lepto. Với sự phát triển của sinh học phân tử và các công cụ tiên tiến khác, chúng ta hoàn toàn có thể tạo được các bộ sinh phẩm chẩn đoán được các mầm bệnh nguy hiểm này đặc biệt là cho y tế tuyến cơ sở và quân y tuyến đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao. Mặt khác có thể xây dựng được các quy trình chuẩn để điều trị các bệnh lý theo phân tuyến, cả dân y và quân y. Vì vậy nhu cầu luôn được đặt ra là phải phát triển những phương pháp chẩn đoán nhanh, chính xác, thiết bị gọn nhẹ, dễ mang đi.

Theo đánh giá của các tác giả nghiên cứu thì đề tài đã tiến hành điều tra và xây dựng báo cáo dịch tễ học bệnh sốt mò, bệnh do liên cầu khuẩn lợn, não mô cầu, bệnh do Leptospira của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng để tham khảo và định hướng đối với việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng ở các địa bàn trọng điểm.

Đã sản xuất thành công 4 loại kit chẩn đoán bệnh bệnh sốt mò, bệnh do liên cầu khuẩn lợn, não mô cầu, bệnh do Leptospira đảm bảo đủ số lượng và đã được kiểm định bởi Viện kiểm định vắc xin và sinh phẩm đạt yêu cầu về độ nhạy và độ đặc hiệu theo thuyết minh; Đã đánh giá hiệu quả sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán các bệnh sốt mò, bệnh do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm khuẩn do não mô cầu, bệnh do Leptospira dựa trên 4 bộ sinh phẩm đã được chế tạo. Kết quả đánh giá đạt yêu cầu theo thuyết minh về độ nhạy và độ đặc hiệu.

Bên cạnh đó,  đã xây dựng được Tài liệu hướng dẫn sử dụng cho 4 kit chẩn đoán và sẵn sàng chuyển giao lại cho các cơ quan chuyên trách về y tế và y tế dự phòng của các tỉnh nghiên cứu, là nguồn tư liệu quý báu cho tác nghiệp y tế.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cũng cho rằng, những sản phẩm đạt được của đề tài giúp tăng cường hiệu quả dự phòng bệnh sốt mò, bệnh do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm khuẩn do não mô cầu, bệnh do Leptospira cho y tế tuyến cơ sở,  góp phần giảm chi phí điều trị 4 bệnh cho ngành y tế.

Kết quả của đề tài đóng góp những cơ sở khoa học về thực trạng bệnh bệnh sốt mò, bệnh do liên cầu khuẩn lợn, nhiễm khuẩn do não mô cầu, bệnh do Leptospira khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng để góp phần định hướng đối với công tác đảm bảo sức khỏe cộng đồng ở địa bàn trọng điểm.

Quan trọng hơn cả là tăng cường nhận thức và hiểu biết của người dân về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, góp phần ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Nguyễn Hùng