Nghiên cứu chế tạo két sắt thông minh với 3 lớp bảo mật

(Dân trí) - Ở nước ta hàng năm xảy ra hàng trăm thậm chí hàng ngàn vụ trộm phá két sắt lớn nhỏ gây thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn tạo nên nhiều bức xúc trong xã hội. Chứng kiến thực trạng đó, PGS.TS. Phạm Thành Long đã nghiên cứu chế tạo ra chiếc két sắt thông minh với 3 lớp bảo mật.

Nghiên cứu chế tạo két sắt thông minh với 3 lớp bảo mật

Hiện nay, tình trạng trộm phá két sắt diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng trộm phá két sắt nhắm tới không chỉ là các gia đình, hộ kinh doanh mà còn cả các doanh nghiệp, công sở… Tâm lý chung của mọi người từ trước đến nay vẫn là tin tưởng vào độ an toàn, chắc chắn của những chiếc két. Thế nhưng thực tế đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp có thể cạy, đục phá két sắt một cách dễ dàng.

Trước thực trạng đó, PGS.TS. Phạm Thành Long giảng viên khoa Điện Tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã nghiên cứu chế tạo ra chiếc két sắt thông minh với 3 lớp bảo mật. Về tổng thể, chiếc két sắt thông minh của tác giả có kết cấu khá giống với các loại két sắt hiện có trên thị trường. Điểm khác biệt ở chỗ tác giả đã kết hợp sử dụng nhiều linh kiện khác nhau giữa cơ khí, điện tử và điều khiển.


PGS.TS Phạm Thành Long - Người đưa ra giải pháp công nghệ két thông minh với 3 lớp bảo mật.

PGS.TS Phạm Thành Long - Người đưa ra giải pháp công nghệ két thông minh với 3 lớp bảo mật.

Theo PGS.TS Phạm Thành Long, ổ khóa tích hợp này có chìa khóa được chia làm 4 mảnh bao gồm hai mảnh cơ, một mảnh điện tử và một mảnh toán. Khi mở két thì có hai tuyến: Một là, mở từ bên ngoài vào để xác định chip điện từ chúng ta là chủ nhân. Hai là, hoạt động mở thực sự (hoạt động cơ học tháo được các chốt khóa) là mở từ trong ra. Hai quá trình này liên kết với nhau bằng biên thiết kế (một khái niệm của cơ điện tử). Quá trình như vậy tạo ra hai tuyến xác nhận độc lập, một tuyến xác nhận chéo. Khi cả 3 tuyến này xác nhận đồng thời thì xác suất mở đồng thời gần như không thể thực hiện được.

Tác giả sáng chế cũng cho biết, chủ sở hữu cất giữ chìa điện tử còn chìa cơ khí gắn cố định trên mặt két. Vì vậy nên sẽ không có cơ hội cho các đối tượng xấu dò tìm mở khóa bằng các dụng cụ vạn năng. Một điểm khác biệt nữa là tác giả đã thiết kế thêm modul cứu hộ khóa để đề phòng sự hỏng hóc hoặc tê liệt của các linh kiện điện tử.

Sản phẩm sử dụng khóa cơ điện tử, với chốt khóa đa điểm trên toàn bộ chu vi, hệ dẫn động sử dụng nguyên lý con trượt – bi. Bộ khóa lẫn có ổn định tải và khử ồn, két có thiết kế modul cứu hộ khóa khi chẳng may chết bất kỳ một linh kiện điện tử nào dựa trên nguyên lý trọng lực. Những điểm này cộng với nguyên lý sử dụng biến liên kết giữa hai chuỗi khóa cơ và điện tử tạo ra ba tầng bảo mật độc lập. Việc đổi mã Cơ và mã điện tử thao tác thuận lợi, dễ dàng, nguyên lý khoa học và độc đáo rất dễ thao tác.

Hoàng Công