Máy tính siêu nhanh làm từ ADN có thể “phát triển khi thực hiện các phép tính”

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã sử dụng các phân tử ADN để tạo ra một chiếc máy tính mới siêu nhanh và có khả năng “phát triển khi tính toán”.


Các nhà nghiên cứu đã xây dựng một máy tính làm từ AND đơn giản nhưng siêu nhanh. Ảnh: Đại học Manchester

Các nhà nghiên cứu đã xây dựng một máy tính làm từ AND đơn giản nhưng siêu nhanh. Ảnh: Đại học Manchester

Nghiên cứu này được trình bày chi tiết trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh tính khả thi của một máy chiếc máy Turing vạn năng bất định (NUTM). Cho đến nay, một thực thể tính toán như vậy chỉ tồn tại trong lý thuyết.

Theo giáo sư Ross D. King, nhà nghiên cứu về khoa học máy tính tại Đại học Manchester, “hãy tưởng tượng máy tính đang tìm kiếm trong một mê cung cùng với một điểm lựa chọn, một con đường hướng về bên trái và đường còn lại về bên phải. Máy tính điện tử cần phải chọn một con đường để đi trước. Tuy nhiên, chiếc máy tính mới này thì không cần phải chọn, vì nó có thể tự tái tạo và đi theo cả hai con đường cùng một lúc, do đó sẽ tìm ra câu trả lời nhanh hơn”.

Không giống với các máy tính điện tử - chủ yếu dựa trên số con chíp bằng silicon cố định - chiếc máy tính NUTM mới này là thiết bị sử dụng ADN có thể tái tạo. Chiếc máy tính mới này không cần phải hoạt động hoặc giao tiếp theo thứ tự, mà ADN được chỉnh sửa hoặc lập trình sẵn để nhân rộng và thực hiện một số mũ của các cách tính toán.

Máy tính lượng tử và các bit lượng tử cũng có thể tạo ra các con đường đồng thời và khác nhau, nhưng chúng lại yêu cầu đối xứng cụ thể để hoạt động đúng, điều này hạn chế khả năng ứng dụng và thích ứng của chúng.

“Vì các phân tử ADN rất nhỏ, một chiếc máy tính để bàn có thể sử dụng nhiều bộ xử lý hơn so với tất cả các máy tính điện tử trên thế giới kết cộng lại – do đó, nó tốt hơn nhiều so với các siêu máy tính nhanh nhất trên thế giới hiện nay, trong khi chỉ sử dụng một phần rất nhỏ sức mạnh của nó”.

Anh Thư (Theo Upi)