Mây nhân tạo giúp các nhà khoa học hiểu về tốc độ biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu để tìm hiểu những yếu tố góp phần gây biến đổi khí hậu, trong đó có các hạt nhỏ tạo thành mây. Kể từ buổi bình minh của thời đại công nghiệp, con người đã xả các khí độc hại vào trong khí quyển làm cho môi trường ấm lên. Tuy nhiên, trong quá trình này, các hạt tạo mây đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát hành tinh, cũng được giải phóng vào trong khí quyển.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học nghĩ rằng các hạt tạo mây là kết quả trực tiếp từ hoạt động của con người. Nhưng, hiện có bằng chứng khẳng định chúng có thể được sản sinh một cách tự nhiên.

Mây nhân tạo giúp các nhà khoa học hiểu về tốc độ biến đổi khí hậu - 1

Theo Ủy ban quốc tế về Biến đổi khí hậu (IPCC), nguồn gốc lớn nhất của sự không chắc chắn trong việc xác định những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người là các sol khí. Hai nguồn phát thải chính: đó là các hạt sol khí trực tiếp được sinh ra do đốt sinh khối, phun muối biển và bụi. Nguồn thứ hai là các hạt sol khí thứ yếu hình thành khi một loại khí được chuyển đổi thành các hạt.

Để đảm bảo độ chính xác cho những dự đoán về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cần biết lượng mây bao phủ hành tinh trước khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp - các số liệu đó có thể được kết hợp với những số đo chính xác về hiện tượng nóng lên của khí nhà kính bắt nguồn từ hoạt động của con người. Dữ liệu kết hợp này sẽ giúp các nhà khoa học thu hẹp các ước tính về biến đổi khí hậu như dự báo. (Các con số này không thay đổi nhiều trong 35 năm qua).

Các mô hình dự báo Trái đất sẽ ấm lên từ 1,6 - 4,4oC nếu lượng CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi vào thế kỷ tới. Để các mô hình này đạt độ chính xác cao hơn, các nhà khoa học cần phải tìm hiểu sự tồn tại của các hạt tạo mây. Đến nay, nhóm nghiên cứu tin rằng đốt nhiên liệu hóa thạch tạo nên các hạt sol khí thứ yếu. Theo nghiên cứu mới, tự nhiên có khả năng sản sinh ra các hạt tạo mây mà không cần đến con người.

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết các hạt sol khí có thể được hình thành khi các tia vũ trụ năng lượng cao bắn phá hỗn hợp hơi nước của cây. Để thực hiện thí nghiệm về sự hình thành của các hạt sol khí mang lại kết quả như mong đợi, các nhà khoa học đã chế tạo một buồng thép không gỉ rộng 3 mét. Đây là buồng mây sạch nhất thế giới và có độ nhiễm tạp ở mức 1 phần nghìn tỷ phân tử, chủ yếu là vì thí nghiệm đòi hỏi độ nhạy khác lạ để phát hiện ngay cả những hơi nước rất yếu tạo nên các hạt sol khí.

Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng hơi nước để tái tạo bầu khí quyển Trái Đất bên trong buồng thép. Sau đó, máy gia tốc hạt được sử dụng để điều khiển một chùm tia vũ trụ nhân tạo ở bên trong. Kết quả cho thấy, nếu một ion từ tia vũ trụ nằm ở trung tâm của cụm, các hạt sol khí hình thành lớn gấp 10 - 100 lần. Đó là vì ion ở trung tâm của cụm giúp ổn định nó.

Nghiên cứu mới sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra các đánh giá chính xác hơn về biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhiệt độ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu hiện sẽ có khả năng tìm hiểu vai trò của các vũ trụ đã bắn phá bầu khí quyển của chúng ta trước khi xuất hiện thời đại công nghiệp. Mặc dù ô nhiễm do hoạt động của con người gây ra vẫn là nguyên nhân chính tạo nên sol khí thứ yếu, nhưng việc xác định vai trò của tia vũ trụ có thể giúp tìm ra giải pháp nhạy bén hơn cho tình trạng biến đổi khí hậu.

N.P.D- NASATI (Theo Thesciencewwold)