Mất ngủ có thể gây ra lo âu

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu cho thấy một đêm không ngủ có thể khiến não bộ tràn đầy lo lắng vào ngày hôm sau. Ngoài ra, hoạt động não ở những người thức đêm cũng bị thay đổi.

Mất ngủ có thể gây ra lo âu - 1

Theo báo cáo của các nhà khoa học tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh hôm 4/11, ở những người trưởng thành khỏe mạnh, sự mất ngủ ban đêm khiến họ lo âu vào sáng hôm sau, kèm theo các đặc trưng hoạt động não bộ thay đổi.

Những người bị rối loạn lo âu thường gặp vấn đề về giấc ngủ. Các kết quả mới tiết lộ tác động trái ngược – sự mất ngủ đó có thể gây ra lo âu. Theo Clifford Saper, một nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Trường Y Harvard và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, người không tham gia nghiên cứu, nghiên cứu này chỉ ra rằng “đây là một sự tương tác hai chiều. Việc mất ngủ khiến sự lo âu tệ hơn, do đó khiến người ta khó ngủ hơn”.

Các nhà nghiên cứu giấc ngủ Eti Ben Simon và Matthew Walker, đều đến từ Đại học California, Berkeley, đã nghiên cứu các mức độ lo âu của 18 người khỏe mạnh. Sau một đêm ngủ hoặc một đêm thức, những người này đều thực hiện các bài kiểm tra lo âu vào sáng hôm sau. Sau khi mất ngủ, mức độ lo âu ở những người khỏe mạnh này cao hơn 30% so với khi họ đã ngủ. Ben Simon cho biết trong một buổi họp báo hôm 5/11, trung bình, số điểm lo âu đạt tới mức độ có thể thấy ở những người mắc chứng rối loạn lo âu.

Ngoài ra, hoạt động não của những người mất ngủ cũng thay đổi. Kết quả chụp cộng hưởng từ chức năng cho thấy, trong phản ứng với các đoạn phim tình cảm, các khu vực não liên quan đến cảm xúc hoạt động tích cực hơn, và vỏ thùy trước trán, một khu vực có thể ngăn chặn sự lo âu, ít hoạt động hơn.

Ben Simon cho biết kết quả mất ngủ “không chỉ là một triệu chứng” của lo âu, mà trong một số trường hợp, có thể là nguyên nhân dẫn đến lo âu.

Lộc Xuân (Theo Science News)