Mất 3.000 tỷ tấn băng chỉ trong 25 năm qua, khi nào lục địa Nam Cực sẽ biến mất?

(Dân trí) - Theo phân tích hình ảnh quan sát từ vệ tinh, từ năm 1992 đến 2017, Nam Cực mất 3.000 tỷ tấn băng. Tây Nam Cực là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất, với tốc độ băng tan hàng năm trong thời gian đó cao gấp 3 lần so với trước kia, tức là khoảng 159 tỷ tấn/ năm. Với lượng băng tan này, mực nước biển toàn cầu đã dâng lên 8 mm.

Mất 3.000 tỷ tấn băng chỉ trong 25 năm qua, khi nào lục địa Nam Cực sẽ biến mất? - 1

Vậy Châu Nam Cực sẽ trông ra sao sau 50 năm nữa, và sự biến đổi của châu lục này sẽ tác động thế nào đến phần còn lại của Trái Đất? Câu trả lời nằm ở lựa chọn của chính con người trong thập kỉ tới.

Có 2 kịch bản có thể xảy ra với Nam Cực trong vòng nửa thế kỉ tới, một trong hai số đó sẽ trở thành môi trường sống của những người hiện nay đang là con, là em của chính chúng ta.

Mặc dù hai kịch bản này mang tính chất suy đoán, nhưng có hai điều này là sự thực: thứ nhất, một khi Nam Cực biến đổi thì chắc chắn môi trường tự nhiên toàn cầu trong nhiều thế kỉ tới đây sẽ biến đổi theo không cách gì ngăn được; thứ hai, chúng ta không còn nhiều thời gian, chính những hành động của con người trong vòng 10 năm tới sẽ quyết định điều thứ nhất.

Biến đổi của Nam Cực tác động đến toàn cầu

Cho dù đây là vùng xa xôi nhất trên Trái Đất, những biến đổi ở Nam Cực và Nam Đại Dương sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống loài người trên cả hành tinh này.

Đây là một ví dụ điển hình: tốc độ mực nước biển dâng tùy thuộc vào phản ứng của khối băng ở Nam Cực trước tình trạng khí quyển và đại dương ấm lên, trong khi tốc độ biến đổi khí hậu tùy thuộc vào mức độ Nam Đại Dương hấp thụ nhiệt và khí các-bon đi-ô-xít. Hơn nữa, các hệ sinh thái biển trên toàn thế giới được bảo tồn nhờ các dưỡng chất lan ra từ Nam Đại Dượng đến các vùng ở vĩ độ thấp hơn.

Dưới góc nhìn chính trị thì Nam Cực và Nam Đại Dương chiếm phần lớn diện tích Trái Đất và mọi hoạt động của con người ở đây đều phải tuân thủ qui định của Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (ATS). Cho đến nay, các qui định này vẫn quản lí tốt hoạt động của con người đối với môi trường ở đây.

Mặc dù vậy, đứng trước thực tế là các hệ thống sinh học và vật lí của Nam Cực đang phải đối mặt với nhiều thách thức của sự biến đổi môi trường do hoạt động của con người gây ra, việc quản lí lục địa này cũng phải thay đổi theo cho phù hợp.

Nam Cực vào năm 2070

Chúng ta hãy xem xét hai kịch bản có thể xảy ra ở Nam Cực trong 50 năm tới do khoa học tiến bộ nhất hiện nay dự báo.

Ở kịch bản thứ nhất, phát thải khí nhà kính toàn cầu không được kiểm soát, khí hậu tiếp tục ấm lên, và chỉ một số hành động chính trị nhỏ nhoi được thực hiện để ứng phó với các biến đổi của môi trường và các hành động của con người có ảnh hưởng đến Nam Cực.

Theo kịch bản này, toàn bộ Nam Cực và Nam Đại Dương sẽ nhanh chóng biến đổi, gây ra hậu quả toàn cầu. Khí quyển và đại dương ấm lên sẽ tiêu diệt phần lớn các thềm băng, hậu quả là mực nước biển dâng ngày càng nhanh, nhanh tới mức chưa từng thấy kể từ sau kỉ băng hà hơn 10.000 trước đây.

Khí hậu ấm lên, việc mất dần băng trên đại dương và tình trạng a-xít hóa đại dương gây ra biến đổi khó lường đối với các hệ sinh thái biển. Các hoạt động không được kiểm soát của con người ở Nam Cực sẽ làm suy thoái môi trường và hình thành các loài xâm lấn.

Ở kịch bản thứ hai, con người có các hành động tích cực hạn chế phát thải khí nhà kính và xây dựng các chính sách giảm áp lực cho môi trường ở Nam Cực.

Theo kịch bản này, vào năm 2070 Nam Cực sẽ rất giống như ngày nay. Các thềm băng gần như còn nguyên vẹn giữ cho các núi băng tan chậm lại và kiềm chế được mực nước biển dâng.

Một cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các chính phủ sẽ giúp đẩy lùi áp lực con người gây ra đối với Nam Cực và Nam Đại Dương. Các hệ sinh thái biển hầu như không bị tác động do kiểm soát được tình trạng ấm lên và a-xít hóa đại dương. Trên đất liền, các hiện tượng xâm lấn sinh học rất hiếm xảy ra. Các loài động vật không xương sống và các vi sinh vật chỉ có ở Nam Cực sẽ được duy trì.

Lựa chọn nằm trong tay chúng ta

Chúng ta có thể lựa chọn đi theo một trong hai con đường nói trên, nhưng thời gian để chúng ta đưa ra lựa chọn không còn nhiều.

Sự ấm lên toàn cầu là do phát thải khí nhà kính quyết định mà các phát thải này hiện đang ngày một tăng. Chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu tác động của biến đổi khí hậu nếu không hành động ngay lập tức, có những tác động mà nếu đã xảy ra thì kể cả chúng ta có sửa chữa đi nữa cũng mất hàng nhiều chục năm hoặc nhiều thế kỉ mới dừng lại được. Nếu chúng ta lựa chọn phương án thứ hai, thì trong vòng 10 năm tới phải kiểm soát được, không cho mức phát thải khí nhà kính tăng thêm nữa, đồng thời bắt đầu giảm ngay.

Đi theo lựa chọn tích cực này, chúng ta sẽ có cơ hội giữ lại những thềm băng vốn là nền tảng tồn tại của Nam Cực và nhờ đó mực nước biển dâng sẽ được kiềm chế ở mức dưới 1 mét (từ nay đến năm 2070). Mực nước biển dâng từ 1 mét trở lên sẽ khiến hàng triệu người mất chỗ ở và kéo theo khủng hoảng kinh tế.

Nếu đi theo lựa chọn tiêu cực là phương án thứ nhất, băng Nam Cực sẽ tan khủng khiếp, hậu quả là mực nước biển sẽ dâng lên 3 mét vào năm 2300, và chắc chắn trong thiên niên kỉ tới sẽ không gì ngăn được biển tiếp tục dâng từ 5 đến 15 mét.

Cho dù đầy thách thức, nhưng chúng ta vẫn có thể hành động ngay bây giờ để bảo vệ Nam Cực cũng như toàn thế giới tránh khỏi những hậu quả không thể kiểm soát được. Sức mạnh của hợp tác quốc tế sẽ dẫn đến thành công và cũng cho thấy khi cần phải hành động, chúng ta có thể dùng những bằng chứng khoa học để đưa ra quyết định vì chính lợi ích lâu dài của con người.

Phạm Hường (Theo The Conversation)