Lý do mọi người có phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy chìa khóa để mọi người đứng về phía bạn trong cuộc tranh luận là trình bày bằng lời nói chứ không phải bằng văn bản.

Lý do mọi người có phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông - 1

Khảo sát cho thấy mọi người có nhiều khả năng đồng ý với một lập luận nếu họ nghe nó chứ không phải là đọc nó.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Psychological Science, các nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley và Đại học Chicago phát hiện ra những người có cuộc tranh luận bằng miệng về các vấn đề chính trị khác nhau dường như bị thuyết phục bởi các lập luận của đối phương hơn những người chỉ đọc chúng.

Thực hiện cuộc khảo sát này, 300 người được yêu cầu xem, nghe hay đọc những lập luận về chiến tranh, phá thai và các thể loại âm nhạc khác nhau sau đó được yêu cầu đánh giá người đã truyền đạt các luận điểm tốt như thế nào.

Theo các nhà khoa học, những người không đồng ý với luận điểm có khuynh hướng thành người giao tiếp "mất nhân tính" và được coi "năng lực suy nghĩ hoặc cảm nhận bị giảm" nhưng điều này xảy ra ít thường xuyên hơn khi bạn nghe thấy tiếng nói của họ hoặc nhìn họ nói chuyện.

Juliana Schroeder từ Berkeley cho rằng điều này là bởi vì thông tin qua giọng nói làm cho người nói có vẻ hợp lý và con người hơn.

Bà chia sẻ trên The Washington Post: "Một người trong chúng ta đọc đoạn trích bài diễn văn của một chính trị gia được in trên báo và anh ta phản đối mạnh mẽ.

Tuần sau, anh nghe đoạn diễn văn đó phát trên đài phát thanh. Anh đã bị sốc bởi phản ứng của mình với chính trị gia hoàn toàn khác. Khi đọc đoạn diễn văn, anh thấy chính trị gia có vẻ ngu ngốc, nhưng khi nghe họ nói, phát biểu của chính trị gia này thực sự có vẻ hợp lý. "

Tác giả viết trong báo cáo, “khi hai người có những niềm tin khác nhau, sẽ có xu hướng nhận ra sự khác biệt ý kiến ​​và cả sự phỉ báng suy nghĩ của người đối lập. Bởi vì trí tuệ của người khác không thể được trải nghiệm một cách trực tiếp, mà nó được suy ra từ các tín hiệu gián tiếp."

Tiến sĩ Schroeder hy vọng nghiên cứu này có thể giúp giải thích tại sao truyền thông xã hội đã có ảnh hưởng phân cực như vậy đối với những cuộc tranh luận chính trị trong những năm gần đây.

Cô nói: "Hiện nay, nhiều người nhận phần lớn tin tức từ phương tiện truyền thông xã hội. Điều này có thể làm mất tính người, và có thể làm tăng sự phân cực. Nó trở thành vòng tuần hoàn; mất tính người dẫn đến phân cực hơn rồi phân cực hơn lại dẫn đến mất nhân tính nhiều hơn nữa".

Đào Hiền (Theo Independent)