Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2)

(Dân trí) - Ngựa vằn là ngựa đen sọc trắng hay ngựa trắng sọc đen? Vì sao đôi lúc chúng ta cảm thấy sự việc trước mắt như đã từng xảy ra?... Cùng tìm kiếm lời giải cho những thắc mắc “không giới hạn độ tuổi” này ngay sau đây!

Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2) - 1

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần có một chút kiến thức về di truyền học! Trước hết, các kiểu hình (màu da, màu mắt, chiều cao…) đều được quy định bởi gen và nhân tố di truyền này lại tồn tại ở 2 dạng trội và lặn. Hiểu một cách đơn giản nếu có sự hiện diện của gen trội thì kiểu hình do gen lặn quy định sẽ bị áp chế và không biểu hiện ra (ví dụ: gen quy định mắt nâu là gen trội, gen quy định mắt xanh là gen lặn). Do đó, việc cả bố và mẹ đều mắt nâu nhưng sinh ra con mắt xanh là điều hoàn toàn bình thường.

Cũng theo đó, việc bạn tình cờ giống với một người tổ tiên đã sống cách cả thế kỷ cũng là điều không có gì lạ và nó cho thấy rằng, các gen của tổ tiên bạn sau khi truyền qua nhiều đời lại có dịp tái tổ hợp một cách gần tương đồng với bản gốc.

Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2) - 2

“Ngựa đen sọc trắng” đó chính là đáp án của các nhà sinh vật học cho câu hỏi “hại não” kinh điển về loài ngựa vằn. Cụ thể, bản chất màu da của ngựa vằn là màu đen, các sọc trắng chỉ xuất hiện khi sắc tố đen ở vùng da đó vắng mặt. Kiểu hoa văn đặc trưng của loài ngựa này được hình thành thông qua một quá trình được gọi là “Chọn lọc sắc tố”.

Giải thích về mục đích của đường kẻ sọc trên da ngựa vằn, các nhà khoa học Anh quốc cho biết rằng, họa tiết đan xen này sẽ ít hấp dẫn loài ruồi trâu hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều giả thiết khác lý giải cho điều này như: hạn chế hấp thụ nhiệt, ngụy trang hay làm rối mắt thú săn mồi.

Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2) - 3

Theo các nhà khoa học người Mỹ, sự nhận thức về thời gian mang đậm tính chủ quan và nó phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ vận hành của bộ não. Dựa theo quan điểm này, khi con người ở độ tuổi thanh xuân, bộ não còn khỏe mạnh có thể tiếp nhận và xử lý thông tin rất nhanh chóng. Vì vậy, ta sẽ có cảm giác thời gian trôi qua chậm.

Khi con người già đi, bộ não dần lão hóa dẫn đến thời gian xử lý thông tin diễn ra chậm hơn cũng vì thế mà cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn lúc trước.

Ở một cách lý giải khác, nhà tâm lý học người Pháp Paul Janet cho rằng, nhận thức về thời gian trôi sẽ dựa trên sự so sánh với tổng thời gian người đó đã trải qua (càng lớn tuổi sẽ càng cảm thấy thời gian trôi nhanh).

Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2) - 4

Deja-vu chính là thuật ngữ để miêu tả hiện tượng con người cảm thấy sự việc đang diễn ra như đã từng xuất hiện trước đó.

Theo các nhà thần kinh học hiện đại, Deja-vu sinh ra từ việc một số vùng trên bộ não bị rối loạn, bất hoạt tạm thời do stress, mệt mỏi, nhiễm độc… khiến trung ương thần kinh mơ hồ trong việc phân định giữa diễn biến mới và thứ từng xảy ra.

Lời giải cho những câu hỏi thách thức nhiều thế hệ (P2) - 5

Các nhà khoa học tin rằng, con người bắt đầu biết cười từ 2 đến 3 triệu năm trước, vào thời điểm này, nụ cười trông giống như việc thở ra nhanh bằng miệng.

Khi cười, con người sử dụng đến 80 cơ mặt. Ngoài ra, hành động này cũng đòi hỏi sự điều khiển của nhiều vùng trên não bộ để tạo ra một chuỗi sự kiện liên hoàn như: co cơ hành, rung thanh quản cũng như cảm giác hạnh phúc.

Cười không chỉ được gây nên bởi cảm xúc tích cực, mà đôi khi ta còn cười bởi vì cảm thấy sợ hãi. Một sự thật khoa học thú vị khác là việc cười 15 phút có có thể đốt cháy lượng calo tương đương với 1 thanh chocolate thông thường. Bên cạnh đó, nụ cười còn tăng cao khả năng sáng tạo, hỗ trợ làm thuyên giảm bệnh suyễn hay viêm cuống phổi.

 Thảo Vy

Theo BS