Loại thuốc mới có thể giúp những người nghiện rượu giảm uống rượu

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã đưa ra một loại thuốc có thể giúp những người nghiện rượu, đặc biệt là những người đang trải qua giai đoạn căng thẳng cao độ.

Nghiên cứu mới này có sự tham gia của 144 người bị rối loạn sử dụng rượu, được định nghĩa là việc uống rượu gây ảnh hưởng xấu hoặc nguy hiểm, bao gồm cả các vấn đề trong công việc và các mối quan hệ. Khi bắt đầu nghiên cứu này, những người tham gia đã tiêu thụ trung bình khoảng 10 đồ uống có cồn mỗi ngày.

Loại thuốc mới có thể giúp những người nghiện rượu giảm uống rượu - 1

Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên những người tham gia uống 1 loại thuốc mới là ABT – 436 hoặc uống một loại giả dược mỗi ngày trong 12 tuần. Nghiên cứu này đã thực hiện theo phương pháp hai không, nghĩa là kể cả những người tham gia hay các nhà nghiên cứu đều không biết ai đã nhận được thuốc thật và ai đã nhận được giả dược.

Trong thời gian 12 tuần của nghiên cứu, những người uống thuốc thật đã ngừng uống rượu trong nhiều ngày hơn so với những người dùng giả dược. Trung bình, trong thời gian nghiên cứu, những người trong nhóm dùng thuốc thật có thể kiêng rượu trong 51 ngày, trong khi những người dùng giả dược chỉ có thể kiêng rượu trong 42 ngày.

Những người thuộc nhóm uống thuốc thật cũng có những ngày uống ít rượu hơn so với những người dùng giả dược. (Trong những ngày đó, nhóm dùng thuốc thật chỉ uống từ 4-5 đồ uống có cồn). Trong thời gian nghiên cứu, trung bình những người thuộc nhóm uống thuốc có 31 ngày uống nhiểu rượu, trong khi nhóm còn lại có số ngày uống nhiều là 38 ngày. Tuy nhiên, phát hiện này không có ý nghĩa về mặt thống kê, có nghĩa là nó không đáp ứng đủ tiêu chí của các nhà nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai nhóm. Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu không chắc chắn về việc loại thuốc này có tác dụng giảm số ngày mọi người uống nhiều rượu.

Tuy nhiên, trong số những người tham gia gặp phải tình trạng căng thẳng cao độ, những người uống thuốc thật làm việc hiệu quả hơn. Trung bình, với những người đạt được điểm cao trong những bài kiểm tra để đo lường về mức độ lọ lắng và căng thẳng, có 27 ngày uống nhiều rượu nếu họ trong nhóm dùng thuốc thật, và 46 ngày uống nhiều nếu họ trong nhóm dùng giả dược.

ABT – 436 hoạt động bằng cách ngăn chặn những ảnh hưởng của một loại hóa chất ở não gọi là vasopressin, chất này được cho là đóng vai trò trong việc điều tiết căng thẳng, lo lắng và các hành vi nghiện ngập.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vasopressin được cho rằng có thể làm tăng cảm giác căng thẳng trong quá trình cai rượu, và điều này sẽ khuyến khích uống nhiều hơn. Vì vậy, ngăn chặn vasopressin bằng ABT – 436 có thể làm giảm ảnh hưởng của sự căng thẳng này. Trong trường hợp đó, những người bị căng thẳng cao độ có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc dùng thuốc.

Megan Ryan – một nhà quản lý dự án lâm sàng tại Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và nghiện rượu của Hoa Kỳ (NIAAA) – và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, đã phát biểu về nghiên cứu do NIAAA tài trợ này: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng những nghiên cứu tiềm năng trong tương lai về các loại thuốc nhằm phong tỏa vasopressin nên tập trung vào những người bị rối loạn sử dụng rượu và đồng thời cũng bị căng thẳng cao độ”

Tác dụng phụ của ABT – 436 bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn. Mặc dù hầu hết những người tham gia vào nghiên cứu cho biết họ chỉ gặp phải tác dụng phụ ở mức độ nhẹ, nhưng cũng có 4 người phải dừng thuốc do bị tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê chuẩn 4 loại thuốc điều trị rối loạn sử dụng rượu, các loại thuốc này vẫn không hiệu quả đối với tất cả các bệnh nhân. Và do đó, “các nghiên cứu tiếp theo là rất cần thiết để phát triển thêm các loại thuốc có hiệu quả và an toàn đối với nhiều người hơn”, cung cấp thêm nhiều lựa chọn hơn cho các bác sĩ và bệnh nhân của họ.

Mặc dù không có phương pháp điều trị nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, nhưng không có nghĩa là chúng vô giá trị. Theo NIAAA, 1/3 số người đã cai nghiên rượu sẽ không có dấu hiệu gì trong vòng 1 năm, trong khi nhiều người khác ít nhất sẽ giảm lượng rượu họ uống vào.

Anh Thư (Tổng hợp)