Loài giun kỳ quái có thể sống sót trong môi trường có nồng độ thạch tín cao gấp 500 lần

(Dân trí) - Sinh vật mới được biết đến là một trong những loài có khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt nhất trên Trái đất.

Hồ Mono là một hồ muối rộng lớn, toạ lạc tại Mono, California, Mỹ. Hồ rộng 18.265 ha và được tạo lập ít nhất 760.000 năm trước đây. Đây cũng là hồ có nồng độ muối siêu mặn và có nồng độ chất arsenic (thạch tín) rất cao.

Loài giun kỳ quái có thể sống sót trong môi trường có nồng độ thạch tín cao gấp 500 lần - 1
Hình ảnh loài giun có sức sống kì lạ ở hồ Mono, Mỹ.

Với môi trường vô cùng đặc thù như vậy, hồ Mono là nơi cấm địa, gần như không thể ở được với các loài động vật.

Tuy nhiên, có tới 8 loài giun tròn mới đã được phát hiện ở hồ Mono với nồng độ asenic lớn hơn 500 lần so với mức độ gây chết người.

Các sinh vật được gọi là “cực đoan” - cụm từ nói lên khả năng phát triển mạnh của chúng trong môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái đất.

Một loài, tạm thời có tên là Auanema sp., có đến ba giới tính khác nhau và mang con non bên trong cơ thể giống như một con chuột túi.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ California đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Current Biology.

"Những sinh vật cực đoan có thể dạy chúng ta rất nhiều về các chiến lược đổi mới để đối phó với môi trường", nhà nghiên cứu Pei-Yin Shih cho biết.

Trang Phạm

Theo Daily Mail