Lần đầu tiên phát hiện "bão không gian" xuất hiện trên Trái đất

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà vật lý thiên văn trước đây đã phát hiện ra các cơn bão không gian trong các tầng khí quyển thấp hơn của Sao Mộc, Sao Hỏa và Sao Thổ và thậm chí cả Mặt trời.

Tuy nhiên, mới đây họ vô cùng ngạc nhiên vì sự kiện tương tự có thể xảy ra trong bầu khí quyển của Trái đất.

Lần đầu tiên phát hiện bão không gian xuất hiện trên Trái đất - 1

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do các nhà nghiên cứu tại Đại học Sơn Đông, Trung Quốc dẫn đầu cho biết đã quan sát được cơn bão không gian đầu tiên được biết đến trên Trái đất, một khám phá mà họ mô tả là "không thể tin được".

Theo kết quả của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hiện tượng này sau khi phân tích các quan sát vệ tinh được thực hiện cách đây 7 năm.

Giáo sư Mike Wood, nhà khoa học vũ trụ tại Đại học Reading cho biết: "Cho đến nay, vẫn chưa chắc chắn rằng có tồn tại các cơn bão plasma không gian hay không, vì vậy để chứng minh điều này với một quan sát ấn tượng như vậy là không thể tin được. Những cơn bão không gian này phải được tạo ra bằng cách chuyển năng lượng gió Mặt trời và các hạt tích điện lớn, nhanh chóng bất thường vào tầng thượng khí quyển của Trái đất".

Vậy một cơn bão không gian trông như thế nào? Theo các nhà nghiên cứu, thứ mà họ quan sát được ở Bắc Cực là một khối plasma xoáy và hoạt động tương tự như các anh chị em của nó trên Trái đất, ngoại trừ một chi tiết đó là thay vì nước, cơn bão không gian đã làm "mưa" là các electron. Các nhà nghiên cứu cho biết sự kiện này kéo dài 8 giờ trước khi cơn bão tan vỡ.

Các nhà nghiên cứu cho biết các cơn bão không gian có khả năng ảnh hưởng đến liên lạc vô tuyến tần số cao, cũng như làm nhiễu loạn hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh. Quá trình này cũng có thể ảnh hưởng đến sự tương tác giữa gió giữa các vì sao và các Hệ Mặt trời khác.