Làm thế nào để chiêm ngưỡng siêu trăng cuối cùng của năm 2020?

(Dân trí) - Trăng rằm tháng này chính là dịp siêu trăng cuối cùng của năm 2020. Siêu trăng lần này kéo dài từ ngày 6 -8/5/2020.

Về mặt kỹ thuật, trăng tròn lần này nằm ở vị trí chòm sao Thiên Bình và chỉ kéo dài trong chốc lát. Thời điểm này xảy ra vào 17 giờ 45 phút ngày 7/5 theo giờ Việt Nam. Khi đó phía Mặt Trăng đối mặt với Trái Đất sẽ được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Những người thích chiêm ngưỡng bầu trời cũng có thể để ý đến sao Hôm (hay chính là sao Kim) đã ở thời điểm sáng nhất của nó trong năm vào tuần trước.

Làm thế nào để chiêm ngưỡng siêu trăng cuối cùng của năm 2020? - 1

Trăng rằm tháng nay cũng được gọi là mặt trăng hoa, phù hợp với thời điểm các loài hoa đang nở rộ ở khắp bán cầu Bắc. Trăng rằm lần này còn có các tên gọi khác như là trăng trồng ngô, trăng sữa và trăng lễ hội Vesak, để kỷ niệm sự ra đời, giác ngộ và chết đi của đức Phật.

Mặt trăng hoa lần này là lần siêu trăng cuối cùng trong 4 lần siêu trăng của năm 2020. Tuy vậy, từ “siêu trăng” không phải là một thuật ngữ chính thức trong thiên văn học mà do nhà chiêm tinh học Richard Nolle đặt cho vào năm 1979. Ông Nolle nói rằng một lần trăng tròn sẽ rất “siêu” nếu nó xảy ra trong vòng 90% cùng điểm quỹ đạo (tức là khi nó ở vị trí gần Trái Đất nhất).

Hầu hết các năm đều có 3 hoặc 4 siêu trăng liên tục. Năm nay, 4 siêu trăng diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5. 

Siêu trăng tuần này sẽ là một “bữa tiệc chiêu đãi” cho những người thích quan sát bầu trời. Kể cả không có các thiết bị chuyên dụng, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng siêu trăng chỉ bằng cách ở trong một căn phòng tối và nhìn qua cửa sổ lên bầu trời. Bạn cần một căn phòng tối vì ô nhiễm ánh sáng sẽ làm ảnh hưởng đến việc quan sát bầu trời tối. Siêu trăng sẽ xuất hiện sáng hơn trăng bình thường từ 7 – 15%.

Thông thường, trăng tròn ở vào khoảng 31 phút cung (0,52 độ rộng) và trăng tròn tháng này sẽ là 33 phút cung (0,55 độ rộng). Nếu bạn dùng một chiếc ống nhòm hay kính viễn vọng để quan sát trăng lần này, bạn nên có một kính lọc để bảo vệ mắt. Còn nếu nhìn bằng mắt thường thì bạn không cần kính lọc, mặc dù nhìn bằng mắt thường thì khó quan sát được các hố va chạm của Mặt Trăng hơn.

Ngược lại với hiện tượng siêu trăng là hiện tượng tiểu nguyệt. Tiểu nguyệt xảy ra khi Mặt Trăng ở điểm viễn địa (tức là khi nó ở xa Trái Đất nhất). Trong năm 2020, hai lần tiểu nguyệt sẽ xảy ra vào ngày 1 và 31 tháng 10, có nghĩa là tiểu nguyệt thứ hai cũng sẽ chính là lần trăng xanh, hay chính là lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng dương lịch.

Phạm Hường 

Theo Live Science