Kỷ lục sét đánh dài hơn 700 km ở Brazil

(Dân trí) - Vào đêm hội Halloween năm 2018, bầu trời ở Brazil chói lòa trong một tia chớp khổng lồ.

Kỷ lục sét đánh dài hơn 700 km ở Brazil - 1

Một tia chớp khổng lồ rạch sáng bầu trời Porto Alegre, Brazil.

Tia sét rạch ngang bầu trời phía Nam nước này kéo dài hơn 700 km suốt từ bờ biển Đại Tây Dương đến tận rìa Argentina. 

Theo một phân tích mới đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tia chớp dữ dội này là tia chớp đơn dài nhất từ trước tới nay.

Bằng công nghệ vệ tinh tiên tiến, các nhà khoa học khẳng định rằng tia sét này dài gấp hơn 2 lần tia chớp kỷ lục trước đó là 320 km lóe lên trên bầu trời thành phố Oklahoma, Mỹ, vào năm 2007. Nhưng không phải tia sét ở Brazil thực sự mạnh hơn mà là do công nghệ giám sát ngày nay phát triển đột phá hơn trước.

Ông Randall Cerveny, báo cáo viên chính về các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan của WMO, cho biết rất có thể sẽ còn những tia sét dữ dội hơn nữa và chúng ta có thể quan sát được chúng khi công nghệ phát hiện sét phát triển hơn.

Kỷ lục sét đánh dài hơn 700 km ở Brazil - 2

Hình ảnh vệ tinh của tia chớp kỷ lục xuất hiện ở Brazil vào ngày 31/10/2018. 

Sét đánh khi khối không khí lạnh và khối không khí nóng va vào nhau trong những cơn dông. Các tinh thể nước đá trong khối không khí lạnh va đập vào những giọt nước trong khối không khí nóng tạo ra ma sát và điện tích truyền qua đám mây. Khi phần dưới cùng của đám mây bị quá tải do mang quá nhiều điện tích âm thì điện chạy về phía vùng có điện tích dương dưới mặt đất hoặc ở đâu đó trong đám mây.

Sét thường đánh ở những khu vực có độ ẩm cao (là những nơi mà đối lưu sinh ra nhiều cơn dông hơn) và vùng núi cao. Vì thế, Nam Mỹ là một trong những nơi có nhiều sét nhất thế giới. Hồ Maracaibo ở Venezuela là “thủ đô” sấm sét của  thế giới. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, nơi đây mỗi năm có đến 300 đêm xuất hiện sét và chớp rạch sáng bầu trời.

Trong nghiên cứu mới của WMO, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh chuyên giám sát thời tiết của Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc để tìm hiểu một số lần sét đánh mạnh kỷ lục. Những “con mắt không gian” này cung cấp dữ liệu đầy đủ và chính xác hơn so với các mạng lưới thiết bị giám sát trên mặt đất. Nhờ đó kết quả nghiên cứu của nhóm được toàn diện và chính xác hơn những nghiên cứu trước đây.

Bên cạnh việc xác định chiều dài của tia chớp là khoảng 700 km, nghiên cứu này cũng phát hiện ra một kỷ lục khác về thời gian kéo dài của tia chớp. Kỷ lục này thuộc về tia chớp trên bầu trời miền Bắc Argentina vào một đêm tháng 3 năm 2019. Nó kéo dài đến gần 17 giây. Kỷ lục trước đó là tia chớp ở Pháp, kéo dài 7,74 giây vào tháng 8 năm 2012.

Phạm Hường

Theo Live Science