Hồng Kông bỏ phiếu chấm dứt việc buôn bán ngà voi trong nước

(Dân trí) - Mỗi năm có hàng chục nghìn cá thể voi bị giết để lấy ngà, đặc biệt loài voi châu Á đã bị liệt vào danh sách các loài nguy cấp. Hiện nay các nước đang từng bước chấm dứt việc buôn bán ngà voi để bảo tồn loài động vật hoang dã này.

Hồng Kông bỏ phiếu chấm dứt việc buôn bán ngà voi trong nước - 1

Chính quyền Hồng Kông đã bỏ phiếu chấm dứt việc buôn bán ngà voi ở nội địa vào hôm thứ tư sau hành động tương tự của Trung Quốc hồi đầu năm.

Đạo luật (Sửa đổi) Bảo vệ các loài động thực vật Nguy cấp năm 2017, còn gọi là Đạo luật Cấm Ngà voi Hồng Kông, thúc đẩy một kế hoạch dự kiến được đệ trình vào năm 2016 nhằm từng bước chấm dứt việc buôn bán ngà voi ở Hồng Kông trước năm 2021.

Kế hoạch này gồm ba phần. Đầu tiên, chính phủ sẽ cấm việc nhập khẩu và xuất khẩu tất cả các chiến lợi phẩm từ việc săn bắn voi. Tiếp theo, chính phủ sẽ nghiêm cấm việc buôn bán ngà voi có được từ trước Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (trước năm 1976) và đặt ra các quy định nghiêm ngặt về giấy phép sở hữu. Cuối cùng, việc sở hữu ngà voi thương mại sẽ hoàn toàn bị cấm vào ngày 31 tháng 12 năm 2021, chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán sản phẩm này tại Hồng Kông.

Có các ngoại lệ với khoa học, giáo dục, lĩnh vực thực thi pháp luật, và tài sản cá nhân hoặc tài sản hộ gia đình.

Đạo luật cũng gia tăng tối đa các hình phạt, mức phạt, và kì hạn ngồi tù cho cả những vi phạm thương mại và phi thương mại.

Những người phản đối cho rằng chính quyền nên bồi thường cho các thương nhân bằng cách nào đó.

Những người đề xuất cho rằng đó là một bước quan trọng trong quá trình lâu dài nhằm đóng cửa thị trường buôn bán ngà voi thế giới và bảo vệ loài voi khỏi bị săn trộm. Một vài người cho rằng lệnh cấm nên được thực thi sớm hơn, họ cho rằng những kẻ buôn lâu sẽ có thêm thời gian để đưa ngà voi vào lục địa Trung Quốc trong lúc chờ thông qua đạo luật.

Chỉ mới năm ngoái, 7,2 tấn ngà voi đã bị tịch thu ở Hồng Kông – lượng ngà voi lớn nhất bị thu giữ trong vòng 30 năm.

Việc buôn bán ngà voi quốc tế đã bị cấm vào năm 1990 dưới Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), nhưng việc buôn bán nội địa vẫn chưa được kiểm soát. Kể từ đó, hơn 30.000 cá thể voi đã bị giết hại mỗi năm để lấy ngà.


Voi bị giết để lấy ngà.

Voi bị giết để lấy ngà.

Vào năm 2016, Liên hợp quốc đã nhất trí dừng việc buôn bán ngà voi nội địa, nhưng bản kiến nghị chưa được thừa nhận hợp pháp và có rất ít quốc gia, trong đó có Hồng Kông, không thực thi ngay lập tức.

Nhật Bản hiện là thị trường ngà voi mở cửa lớn nhất. Theo Wild Aid, Thái Lan đã hạn chế việc buôn bán và đang cân nhắc một lệnh cấm.

Nhà lập pháp Hồng Kông Hon. Elizabeth Quat cho biết: “Tôi kêu gọi chính phủ tất cả các nước châu Á làm theo Trung Quốc và Hồng Kông bằng cách ban hành đạo luật cấm buôn bán ngà voi trong nước”.

Anh là nước xuất khẩu ngà voi hợp pháp lớn nhất trên thế giới – lớn gấp ba lần Mỹ - và cũng đang tiến hành việc đóng cửa ngành công nghiệp này.

Trong hơn 30 năm qua, loài voi châu Á đã được liệt vào danh sách loài nguy cấp. Quần thể này đã giảm ít nhất 50% trong vòng 3 thế hệ qua vì bị săn trộm. Theo một ước tính gần đây, có nhiều nhất 40.000 cá thể voi châu Á còn lại trên thế giới.

Tê giác, cá voi, hải mã, và hà mã cũng bị đe dọa bởi việc buôn bán ngà voi và người ta đang lo rằng nhu cầu ngà voi từ những nguồn mới sẽ tăng lên.

Hiện tại, các nhà bảo tồn nói rằng cuộc bỏ phiếu này đang thắng thế.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)