Hơn 3.000 cán bộ nghiên cứu, một năm công bố… 20 công trình khoa học

(Dân trí) - Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương), hàng trăm tỷ đồng được chi cho sự nghiệp khoa học. Tuy nhiên, năm 2019 chỉ có 19 công trình khoa học công bố trong nước và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký báo cáo số 213/BC-UBND về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hơn 3.000 cán bộ nghiên cứu, một năm công bố…  20 công trình khoa học - 1
Thanh Hóa hiện có hơn 3.000 cán bộ nghiên cứu khoa học nhưng một năm chỉ có 20 công trình nghiên cứu được công bố.

Theo đó, năm 2019 tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN gần 141 tỷ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỷ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ); chi đầu tư phát triển KH&CN là hơn 23 tỷ đồng; Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Theo báo cáo của đơn vị chủ trì đề tài “Định hướng và giải pháp nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, đóng góp của TFP cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2018 đạt 37,8%.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 42 tổ chức KH&CN (22 tổ chức công lập và 20 tổ chức ngoài công lập), giảm 9 đơn vị so với năm 2018. Trong đó, có 9 tố chức nghiên cứu và phát triển; 28 tổ chức dịch vụ KH&CN; 5 cơ sở giáo dục đại học.

Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn nhân lực KH&CN không ngừng tăng lên về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương  (tăng 8% so với năm 2015 là 1.131 cán bộ), đạt tỷ lệ 3,5 người/1 vạn dân.

Thống kê cho thấy, năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước là 19 công trình, gồm: Sách, 1 bài giảng, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế. Cũng trong năm 2019, triển khai 173 nhiệm vụ KH&CN.Năm 2019, có 3 doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận, nâng số doanh nghiệp KH&CN hiện có trên địa bàn tỉnh lên 26 đơn vị.

Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất các sản phẩm.

Trong năm, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN 13 nhiệm vụ thuộc các chương trình quốc gia cho năm kế hoạch 2020, trong đó có 5 nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn - miền núi được Bộ KH&CN phê duyệt bắt đầu thực hiện từ năm 2020.

Đối với các đề án, chính sách về KH&CN qua 2 năm triển khai, thực hiện đã đạt được kết quả thiết thực, tích cực, đưa chính sách vào cuộc sống. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí kinh phí 55 tỷ đồng và được ghi thành một mục riêng trong dự toán chi ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách.

Sau 10 năm thực hiện đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút, đào tạo được 201 người đào tạo tại các trường đại học nước ngoài có trình độ, năng lực về công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thu hút được 30 bác sĩ nội trú cho Phân hiệu Trường Dại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.

Theo đánh giá, thời gian thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống. Những nhiệm vụ KH&CN có tính lan tỏa, đột phá chưa nhiều; tiềm lực KH&CN, hạ tầng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ.

Đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có những sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia, tạo sự đột phá.

Đến nay, số cán bộ nghiên cứu khoa học chỉ đạt 3,5 người/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (7,05 người/1 vạn dân); thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực. Năng lực và hiệu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp; thiếu những tổ chức KH&CN mạnh có đủ khả năng giải quyết những vấn đề KH&CN lớn.

Nguyên nhân được cho là các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp tuy đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc chuyển hóa từ nhận thức thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để ứng dụng KH&CN, phát triển KH&CN trong từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp còn hạn chế.

Nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc trích, lập quỹ KH&CN trong các doanh nghiệp còn hạn chế...

Duy Tuyên