Hình ảnh từ vệ tinh gián điệp giúp hé lộ bí mật khảo cổ Trung Đông cổ đại

(Dân trí) - Nhờ những hình ảnh mới được giải mật gần đây từ một vệ tinh gián điệp có tên mã Corona của Mỹ, các nhà khảo cổ học đã xác định được thêm nhiều khu di chỉ và địa điểm lịch sử đã bị xâm hại hoặc biến mất nhiều thập kỷ trước.

Khi Hoa Kỳ phóng "vệ tinh gián điệp" bí mật đầu tiên vào những năm 1960, các máy ảnh có độ phân giải cực cao trên vệ tinh đã ghi lại được những hình ảnh chưa từng thấy trên bề mặt Trái Đất trước đó.

Hình ảnh từ vệ tinh gián điệp giúp hé lộ bí mật khảo cổ Trung Đông cổ đại - Ảnh 1.

Những hình ảnh vệ tinh mới được giải mật của Mỹ đã giúp các nhà khảo cổ học có những khám phá mới ở khu vực Trung Đông.

Mặc dù từng được sử dụng để khám phá bí mật quân sự quan trọng của các đối thủ với nước Mỹ, nhưng từ những hình ảnh được giải mật gần đây còn cho thấy những thông tin vô cùng quý giá với giới khảo cổ học.

Các nhà khoa học hiện tại đang tái sử dụng những bức ảnh ở Trung Đông hàng thập kỷ trước được ghi lại bởi vệ tinh gián điệp để tái tạo các địa điểm khảo cổ đã biến mất nhiều năm trước hoặc bị xóa sổ do đô thị hóa, mở rộng nông nghiệp và tăng trưởng công nghiệp.

Thông tin chi tiết vừa qua đã được các nhà nghiên cứu báo cáo trong cuộc họp thường niên của Liên minh Địa, Vật lý Mỹ (AGU) .

Bằng cách so sánh những hình ảnh từ vệ tinh gián điệp với những bức ảnh vệ tinh gần đây hơn, các nhà khoa học có thể theo dõi các khu định cư và các địa điểm quan trọng trong lịch sử đã bị che khuất hoặc phá hủy.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn có sự hỗ trợ của một ứng dụng trực tuyến miễn phí giúp sửa lỗi biến hình ảnh trong hệ thống camera của vệ tinh sắc nét hơn và có sự so sánh giúp cho việc phân tích những bức ảnh này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhà nghiên cứu Jackson Cothren, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Arkansas và là người đứng đầu dự án cho biết.

Cũng theo nhà nghiên cứu Cothren, những hình ảnh về Trung Đông của Corona được các nhà khảo cổ đặc biệt quan tâm, bởi vì khu vực quan trọng trong lịch sử đã thay đổi nhiều kể từ những năm 1960.

Nhờ có những hình ảnh quý giá, các nhà khoa học đã có thể khám phá lại các khu định cư cổ đã bị "mất". Kể từ khi dự án bắt đầu, số lượng các địa điểm khảo cổ được lập bản đồ ở Trung Đông đã tăng khoảng 100 lần.

"Chúng tôi đã có thể lập bản đồ hàng chục ngàn địa điểm. Thời đại đồ đồng, thời La Mã. Và chúng tôi đã phân loại chúng theo cách giúp các nhà khảo cổ học hiểu được sự phân bố của dân số theo thời gian", ông Cothren nói thêm.

Ngoài phục vụ cho những khám phá khảo cổ học, hình ảnh từ vệ tinh Corona được sửa cũng có thể được sử dụng để theo dõi sự thay đổi do biến đổi khí hậu.

Trang Phạm (Theo Fox News)