Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ nuôi trồng nhiều giống hoa cao cấp (ly, địa lan, lan hồ điệp...), và đặc biệt là sự xuất hiện của những sản phẩm hoa “Made in Vietnam”, với chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập.

Đến với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả vào những ngày này, bất cứ ai cũng sẽ phải ngỡ ngàng trước cảnh tượng hàng vạn cây hoa với đủ chủng loại từ những giống hoa phổ thông như lay ơn, hoa ly cho đến dòng hoa cao cấp như lan hồ điệp, địa lan trần mộng, địa lan hoàng vũ… đang đua nhau khoe sắc để đón một mùa Tết sắp đến.

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 1

Chia sẻ với chúng tôi, Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả cho biết: “Những gì mà các bạn đang thấy là thành tựu được xây dựng trong hơn một thập kỷ của nhiều thế hệ cán bộ của Viện.” 

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 2

Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả giới thiệu về mô hình trồng hoa lan hồ điệp.

Là một trong những nhà khoa học tiên phong về lĩnh vực hoa, cây cảnh của Viện Nghiên cứu Rau quả nói riêng và Việt Nam nói chung, PGS.TS Đặng Văn Đông nhớ lại thời điểm mình cùng đồng nghiệp đặt những nền móng đầu tiên: “Ở thời điểm cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã dự đoán rằng, khi nền kinh tế đất nước phát triển thì nhu cầu về hoa, cây cảnh cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, ở thời điểm bấy giờ những giống hoa trồng trong nước đã quá cũ và kỹ thuật nuôi trồng cũng đã lạc hậu, chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được với nhu cầu của thị trường.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 3

Địa lan Trần Mộng, một trong những loài hoa lan bản địa có giá trị rất cao được nuôi trồng theo công nghệ 4.0 tại Trung tâm.

Qua những gì mắt thấy, tai nghe ở nước bạn, trong những chuyến công tác và dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đã quyết định tiến hành 2 bước đi song song.

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 4

Những nụ ly đang chực bung nở đón Xuân.

“Trước hết, để có thể giúp ngành sản xuất hoa Việt Nam phát triển một cách nhanh nhất chúng tôi đã nhập nội hàng loạt giống hoa từ nước ngoài về; tiến hành tuyển chọn các loại phù hợp với điều kiện Việt Nam, rồi tập trung phát triển mạnh. Đương nhiên, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu, giống hoa của chúng ta sẽ luôn ở thế bị động và không có bản quyền, dẫn đến gặp nhiều vướng mắc nếu muốn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các giống ở nước ngoài cũng chưa chắc đã tốt và phù hợp với Việt Nam.” - PGS.TS Đặng Văn Đông phân tích về giải pháp mà ông cùng các đồng nghiệp đã thực hiện để phát triển ngành hoa Việt Nam trong giai đoạn đầu – “Chính vì vậy, bên cạnh nhập khẩu, chúng tôi cũng tiến hành đồng thời hướng thứ 2 là chủ động lai tạo giống hoa trong nước.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 5

PGS.TS Đặng Văn Đông giới thiệu về cây nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh.

Theo chuyên gia này, việc lai tạo một sản phẩm giống cây trồng mới không hề đơn giản và mất rất nhiều công sức, Qua chia sẻ của PGS.TS Đặng Văn Đông, có thể tóm tắt thành các bước như sau:

-Thu thập tập đoàn bao gồm rất nhiều giống từ bản địa cho đến nhập nội.

-Đánh giá đặc tính của tập đoàn giống và xác định giống làm bố, giống làm mẹ.

-Khi đã có giống bố mẹ ta tiến hành lai tạo để cho ra các tổ hợp lai mang cả các ưu thế tốt của bố và mẹ. 

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 6

Trồng thử nghiệm các giống hoa lay ơn.

- Cây lai sau khi đã phát triển trong phòng thí nghiệm sẽ được mang ra trồng ở môi trường ngoài rồi tiến hành theo dõi, đánh giá. Được biết, trong số hàng trăm ngàn tổ hợp con lai như vậy chỉ có thể chọn ra được một số con lai ưu tú nhất để tiến hành nhân vô tính tạo ra các dòng lai. 

 Song song với việc nghiên cứu chọn tạo giống mới, các nhà khoa học nông nghiệp cũng đồng thời phải nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc của giống này. 

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 7

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết thêm: “Một khi đã có cây lai tốt cùng kỹ thuật nuôi trồng thì chúng tôi phải tiến hành sản xuất thử, bởi nhiều lúc làm ở quy mô nhỏ thành công nhưng khi nhân rộng lên quy mô lớn hơn lại thất bại. Cũng có trường hợp trồng ở nơi này thành công nhưng ở những nơi khác lại không thành công. Chính vì vậy, việc sản xuất thử phải được tiến hành ở nhiều địa phương, để so sánh đánh giá sự sinh trưởng, và từ đánh giá này để quay lại hoàn thiện quy trình nuôi trồng thì mới gọi là thành công ở cơ quan khoa học.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 8

"Nghiên cứu phải được đưa vào ứng dụng thực tiễn, phát triển sản xuất, phải giúp được người nông dân, doanh nghiệp làm giàu"

Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của PGS.TS Đặng Văn Đông, sự thành công này sẽ gần như là số “0” nếu nó chỉ dừng lại ở trên bàn giấy. “Nghiên cứu phải được đưa vào ứng dụng thực tiễn, phát triển sản xuất, phải giúp được người nông dân, doanh nghiệp làm giàu, từ đó góp phần vào sự phát triển của ngành hoa Việt Nam, thì chúng tôi – Những người làm khoa học mới có thể cảm thấy mình đã thành công thực sự.” – Chuyên gia này nhấn mạnh.

Một quá trình có thể tóm gọn lại trong chưa đầy một trang giấy nhưng trên thực tế đã kéo dài đến hơn 10 năm, với sự cố gắng không ngừng nghỉ của chuyên gia. 

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 9
Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 10

Kể về những thành tựu nổi bật nhất về lĩnh vực hoa cây cảnh mà Viện Nghiên cứu Rau quả đã đạt được, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết: “Trước hết phải kể đến thành tựu về hoa lan hồ điệp, hiện nay chúng tôi đã tạo ra giống hoa hồ điệp thơm, giống hoa hồ điệp mini có hình dáng khác biệt so với giống hoa thông thường, vừa qua 4 giống hoa mới đã được công nhận và 2 giống đã được bảo hộ bản quyền.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 11

Giống lan hồ điệp thơm HĐT1.

“Tiếp đến, là việc tạo được giống hoa lay ơn chống được bệnh khô đầu lá đặc trưng của hoa lay ơn nhập, trong khi đó chất lượng hoa đẹp hơn hẳn, màu sắc khác biệt, cánh dài, số lượng hoa lên đến 14-15 hoa/cành và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 12

 “Bên cạnh đó, Viện cũng đã tạo ra nhiều giống hoa lan đai châu mới có độ thích ứng cao với điều kiện khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều giống hoa khác như: hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền… đang được lai tạo và có kết quả ban đầu rất khả quan.”

“Cũng không thể không nhắc đến một trong những đột phá lớn về mặt công nghệ vừa được hoàn thiện trong thời gian gần đây, đó là ứng dụng công nghệ 4.0 trong các mô hình nuôi trồng hoa, từ đó giúp tự động hóa gần như mọi quy trình, cắt giảm nhân công, tối ưu nguồn tài nguyên sử dụng và đặc biệt là nâng cao phẩm chất của cây thành phẩm.”

Hành trình hơn một thập kỷ với khát vọng đưa hoa Việt Nam vươn tầm thế giới của các nhà khoa học - 13

Minh Nhật