Phát hiện hành tinh “siêu trái đất” có thể đang tồn tại cuộc sống

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết, một hành tinh đá quay quanh một sao lùn đỏ chỉ cách Trái đất 111 năm ánh sáng có thể có cuộc sống.

Phát hiện hành tinh “siêu trái đất” có thể đang tồn tại cuộc sống - 1

Được phát hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Texas và Đại học Montreal, hành tinh này quay quanh một ngôi sao được gọi là K2-18 trong chòm sao Leo, được mô tả là một "Siêu trái đất", vì nó giống như một phiên bản mở rộng của hành tinh chúng ta.

Nó có thể là một hành tinh đá với bầu khí quyển nhỏ (như Trái đất) hoặc một hành tinh nước chủ yếu với một lớp băng dày phía trên.

Ryan Cloutier, một nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Đại học Toronto, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Với dữ liệu hiện tại, chúng ta không thể phân biệt được hai khả năng này.

Nhưng với Kính thiên văn James Webb (JWST), chúng ta có thể thăm dò khí quyển và xem nó có bầu không khí rộng lớn hay là một hành tinh bao phủ bởi nước".

K2-18b đang quay ngôi sao này trong khu vực phù hợp với sự sống, làm cho nó trở thành ứng cử viên lí tưởng để có nước lỏng trên bề mặt - một yếu tố quan trọng trong việc chứa đựng các điều kiện cho sự sống như chúng ta biết.

Được đưa vào hoạt động năm 2019, JWST sẽ là công cụ để thu thập một loạt các dữ liệu để nghiên cứu hệ mặt trời, vũ trụ sơ khai và các ngoại hành tinh. Theo Express, JWST được thiết kế để quan sát một số sự kiện và vật thể xa nhất trong vũ trụ với độ rõ nét lớn nhất.

Rene Doyon, đồng tác giả của nghiên cứu, nói: "K2-18b bây giờ là một trong những mục tiêu tốt nhất cho nghiên cứu khí quyển, nó sẽ đứng gần đầu trong danh sách này."

Tuy nhiên, tin tức về môi trường thân thiện trên K2-18b trái ngược với sự khám phá của NASA về một "hành tinh chết" khổng lồ với một bầu không khí độc hại "thách thức những mong đợi", theo Express.

Đào Hiền (Tổng hợp)