Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc

(Dân trí) - Chiều 14/6, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) đã diễn ra Ngày hội Vũ trụ 2019 (USTH Space Day) dành cho học sinh, sinh viên và những người yêu thích vật lý thiên văn ở khu vực phía Bắc. Tại sự kiện này, giới trẻ Hà Nội đã được khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc.

USTH Space Day là sự kiện đại chúng, dự kiến được tổ chức thường niên bởi khoa Vũ trụ và Ứng dụng, USTH với mục đích giới thiệu với công chúng những kiến thức tổng quan và mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ ở Việt Nam và trên thế giới.

Ngày hội Vũ trụ 2019 với chủ đề “Bầu trời và Kính thiên văn” được lấy cảm hứng từ sự kiện có tính bước ngoặt trong lịch sử nghiên cứu lỗ đen nói riêng và lĩnh vực Vật lý thiên văn nói chung khi các nhà khoa học công bố bức ảnh chụp thực tế đầu tiên cái bóng của lỗ đen, chứng minh sự tồn tại của một trong bí ẩn lớn nhất của khoa học vũ trụ tới nay.

Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc - 1

Sự kiện thu hút được sự quan tâm đông đảo của các bạn học sinh, sinh viên và những người yêu thích vật lý thiên văn ở khu vực phía Bắc.

Tại sự kiện này, rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên đã hào hứng trao đổi với TS. Phạm Tuấn Anh – công tác tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực vật lý thiên văn, tác giả và đồng tác giả của hàng chục công bố quốc tế, trong bài trình bày về lỗ đen và những khám phá mới nhất. Bài trình bày của TS Tuấn Anh đã mang đến những thông tin thú vị cho các bạn trẻ về các bằng chứng tồn tại, cách phát hiện, đo đạc về lỗ đen, vai trò của lỗ đen trong sự hình thành và tiến hóa của các vì sao và thiên hà.

Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc - 2

TS. Phạm Tuấn Anh tạo sức hút lớn với các bạn trẻ với bài trình bày về lỗ đen và những khám phá mới nhất.

TS Phạm Tuấn Anh cũng giới thiệu về bức ảnh chụp thực tế đầu tiên cái bóng của lỗ đen và nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học để tạo ra nó, đồng thời đưa ra những câu hỏi mở về nghiên cứu lỗ đen.

Bên cạnh đó, TS Phan Hiền – giảng viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng USTH cũng đã trao đổi với các bạn trẻ về lịch sử của kính thiên văn, nguyên lý hoạt động và phân loại các dòng kính thiên văn phổ biến.

Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc - 3
Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc - 4

Điểm nhấn của USTH Space Day 2019, thu hút được sự quan tâm nhất của các bạn trẻ Hà Nội là được trải nghiệm quan sát Mặt Trăng và Sao Mộc trực tiếp từ  kính thiên văn, đặc biệt có sự xuất hiện của kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc của Hội thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS) với đường kính lên tới 12.5 inch (317mm).

Giới trẻ Hà Nội khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc - 5

Các bạn trẻ háo hứng khám phá bầu trời với kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc. 

Kính có chiều cao khoảng 165cm, rộng 45cm, tiêu cự 1.524mm và độ phóng đại tối đa lên tới 600 lần. Điểm đặc biệt của chiếc kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc là kết cấu gọn nhẹ, cơ động, có thể tháo ra lắp vào, tiện lợi trong việc mang theo trong các chuyến du lịch xa.

Anh Phạm Chương, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, tác giả của chiếc kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc bật mí: “Nếu như kính thiên văn phổ thông cơ nhỏ có độ phóng đại tối đa chỉ đạt 200 lần thì với chiếc kính này, độ phóng đại lên tới 600 lần. Khi đó, các bạn có thể dễ dàng quan sát và chụp ảnh được các hố va chạm trên Mặt Trăng, vành đai Sao Thổ cũng như các sọc mây trên Sao Mộc… một cách sắc nét và chi tiết”.

Anh Chương cũng cho hay, với chiếc kính thiên văn HAS 12.5", việc quan sát thấy và chụp ảnh rõ nét những vật thể sáng như các cụm vì sao, tinh vân sáng… không còn là điều quá xa vời.

USTH là trường đại học tiên phong tại Việt Nam đào tạo ngành Vũ trụ và Ứng dụng từ bậc đại học đến tiến sĩ với 3 hướng chính Viễn thám, Vật lý thiên văn và Công nghệ vệ tinh.Trong đó, Vật lý thiên văn là ngành học nghiên cứu về các hiện tượng trong vũ trụ nhằm trả lời các câu hỏi về sự hình thành, phát triển và quy luật vận động của vũ trụ từ đó đánh giá được ảnh hưởng của vũ trụ tới trái đất và nhân loại. 80% sinh viên cử nhân và 100% học viên Thạc sĩ được đi thực tập tại các trường đại học, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm uy tín tại Pháp, Hàn Quốc.

USTH và khoa Vũ trụ và Ứng dụng dự kiến sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng liên quan đến bộ môn khoa học còn rất mới mẻ ở Việt Nam này, đặc biệt là các hoạt động STEM hướng đến đối tượng là các em học sinh THPT, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và truyền bá vẻ đẹp của khoa học vũ trụ đến với công chúng.

 Nguyễn Hùng