FDA cho phép sử dụng thuốc chữa Covid-19 đầu tiên

(Dân trí) - Ngày 1/5, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép ủy quyền sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (EAU) thuốc remdesivir để điều trị bệnh do virus corona gây ra.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, Mỹ, nói rằng “dữ liệu cho thấy remdesivirs có hiệu quả rõ ràng, đáng kể và tích cực trong việc giảm thời gian hồi phục sức khỏe của bệnh nhân”. EAU không hoàn toàn giống với việc phê duyệt. Để được FDA phê duyệt, một loại thuốc thí nghiệm cần được thử nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Thuốc remdesivir do công ty dược phẩm Gilead Sciences chế tạo vào năm 2013. Thuốc kháng virus này ban đầu dùng để chữa cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola.

Trong thời gian gấp rút tìm phương pháp điều trị cho Covid-19, các nhà nghiên cứu đã thử dùng remdesivir, vì thuốc này trước đây đã có một số kết quả tích cực khi dùng cho bệnh nhân MERS và SARS. Bác sĩ Melissa Mcginnis, nhà khoa học nghiên cứu của Trường đại học Maine, Mỹ, chuyên gia trong lĩnh vực virus học phân tử và mầm bệnh virus nhận định hiện nay remdesivir là thuốc kháng virus khả quan nhất trong việc điều trị Covid-19.

FDA cho phép sử dụng thuốc chữa Covid-19 đầu tiên - 1

 FDA cho phép sử dụng thuốc remdesivir để điều trị Covid-19.

Remdesivir ngăn chặn virus corona mới tự nhân bản. Thuốc này là một nucleotide analog giống như adenosine, một thành phần cấu tạo của RNA và DNA. Khi virus xâm nhập một tế bào và bắt đầu tự nhân bản, remdesivir thay thế adenosine can thiệp vào quá trình nhân bản của virus.

Kết quả nghiên cứu công bố vào ngày 29/4 cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng remdesivir có kết quả tốt hơn so với điều trị bằng giả dược. Họ hồi phục nhanh hơn, trung bình là 11 ngày so với 15 ngày khi dùng giả dược. Tỷ lệ chết bệnh sau khi dùng 2 loại thuốc này có khác nhau hay không thì số liệu hiện nay chưa nói lên điều gì rõ rệt.

Nghiên cứu nói trên mới chỉ tiến hành trên 1.063 bệnh nhân, vì thế vẫn phải chờ thêm để xem ảnh hưởng của thuốc đối với nhiều bệnh nhân hơn thì như thế nào.

Phạm Hường 

Theo Digital Trends