EU bỏ phiếu cấm đánh bắt cá bằng xung điện gây tranh cãi

(Dân trí) - Việc đánh bắt cá bằng lưới điện gây rất nhiều tranh cãi về tác động gây ra với môi trường hiện đã bị Liên minh Châu Âu bỏ phiếu cấm.

EU bỏ phiếu cấm đánh bắt cá bằng xung điện gây tranh cãi - 1

Trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, Liên minh Châu Âu đã quyết định cấm việc sử dụng xung điện để giăng lưới bắt cá.

Cuộc bỏ phiếu ngày thứ ba kết hợp chặt chẽ những quy định mới về cách thức, địa điểm và khi nào có thể đánh bắt cá và cũng tiến tới đơn giản hóa hơn 30 quy định về đánh bắt cá hiện đang được áp dụng. Điều này bao gồm việc cập nhật những tiêu chuẩn thông thường về ngư cụ, phương thức đánh bắt cá, và lượng cá tối thiểu có thể bắt, cũng như dừng hoặc hạn chế đánh bắt cá ở những khu vực nhất định, hoặc trong những khoảng thời gian nhất định.

Thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) Gabriel Mato phát biểu: “Các tiêu chuẩn hiện nay không thực tế, phức tạp và cứng nhắc, do đó, cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn kĩ thuật. Mọi người đã đồng ý là chúng ta cần sự đơn giản hóa. Chúng ta không nên tạo ra các quy định mới, mà phải khiến các quy định rõ ràng hơn và thiết thực hơn để thực hiện”.


Tàu đánh bắt cá sử dụng lưới điện.

Tàu đánh bắt cá sử dụng lưới điện.

Một sự sửa đổi bổ sung cấm việc đánh bắt cá bằng xung điện đã kéo theo những tranh cãi về tính hiệu quả và ảnh hưởng của nó đối với môi trường.

Các nhà bảo tồn cho rằng nó gây ra những mối nguy hại không đáng có tới đáy biển, trong khi những người ủng hộ lại cho rằng nó ít gây xáo trộn đến đáy biển và ít bắt phải các loài đánh bắt không chủ ý hơn.

Phương pháp giăng lưới truyền thống, hoạt động bằng cách giữ lưới mở nhờ những thanh xà lắp ở mỗi phía đầu thuyền. Xích được gắn vào lưới và kéo dọc theo đáy biển. Bị lưới vét quấy rầy, cá sẽ bơi vào tấm lưới đang đến.

Mặt khác, lưới điện lại sử dụng việc trích điện để lùa cá bẹt ra khỏi bùn và chui vào lưới. Các nhà ủng hộ cho rằng xung điện ít làm khuấy động đáy biển hơn, ít tác động đến các sinh vật đáy biển hơn và giảm thiểu số lượng cá đánh bắt không chủ ý. Ngư dân cho rằng tải trọng nhẹ hơn tức là thuyền sẽ có hiệu quả nhiên liệu hơn.

Hội đồng Quốc tế Khai thác Biển (ICES) tìm thấy ít bằng chứng cho thấy các dòng điện gây thiệt hại nghiêm trọng. Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng thiệt hại không thể thay đổi được biết đến duy nhất là với cá tuyết lớn và cá đục – 10% trong số chúng bị gãy cột sống và xuất huyết khi cơ của chúng co lại quá mức do bị sốc điện.

Tuy nhiên, một vài tổ chức và nhóm chiến dịch tranh luận rằng có rất ít nghiên cứu nghiêm túc được tiến hành để tìm hiểu hậu quả lâu dài của việc đánh bắt cá bằng điện và tác động của nó lên môi trường biển rộng lớn hơn.

Adriaan Rijinsdorp, một nhà sinh vật học về cá thuộc Viện nghiên cứu Hải dương Wageningen và đồng chủ tọa của nhóm làm việc ICES, đã nói với Science Mag rằng: “Chúng tôi đủ hiểu biết để tiếp tục dùng lưới điện trong bối cảnh hiện tại”. Anh bổ sung thêm rằng một quyết định phải đợi đến năm 2019 khi một nghiên cứu bốn năm do EU tài trợ đánh giá những hậu quả của lưới điện lên ngành công nghiệp này đưa ra được kết luận.

Nghị viện đã ủy quyền cho các thành viên của Ủy ban Thủy sản bắt đầu thảo luận với Hội đồng về pháp chế. Bất kì quyết định nào sẽ phải được Nghị viện, Ủy ban và các quốc gia thành viên Châu Âu nhất trí.

Lôc Ninh (Theo Science Alert)