Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2)

(Dân trí) - Trong khi con người vẫn đang cố gắng để kéo dài vài năm tuổi thọ, thì ở sâu trong đại dương một loài động vật từ lâu đã sở hữu năng lực “bất tử”!

Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2) - 1

Trong khi con người vẫn đang cố gắng để kéo dài vài năm tuổi thọ, thì ở sâu trong đại dương một loài sứa đã sở hữu năng lực “bất tử”. Loài sứa được nhắc đến ở đây có tên khoa học là Turritopsis nutricula và chúng có thể tái sinh hết lần này đến lần khác.

Cụ thể, trong trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng, Turritopsis nutricula sẽ lặn xuống đáy biển, tại đây chúng biến thành polyp (một dạng sinh vật đơn bào, vốn là thể chưa trưởng thành của các loài sứa) và sau một thời gian, polyp lại trở thành một con sứa lành lặn. Quá trình “tái sinh” này sẽ kéo dài 2 tháng và có thể không có giới hạn về số lần. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi nhận một con sứa Turritopsis nutricula hồi sinh đến 12 lần.

Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2) - 2

Khó có thể tin được rằng, loài động vật trong bức ảnh trên không phải ốc sên hay hà mã mà chính là một con cá mập. Cụ thể, đây là ảnh chụp  cận cảnh khuôn mặt của cá mập Port Jackson, một trong những loại cá mập đặc biệt nhất thế giới!

Dưới đây có thể liệt kê ra một vài đặc điểm dị thường của cá mập Port Jackson:

  • Trước hết, đây là một loài cá mập có rất nhiều răng và đa dạng về loại răng. Những chiếc răng sắc sẽ giúp Port Jackson dễ dàng ăn các loại cá và sinh vật biển có cơ thể mềm. Trong khi đó, loại răng lớn và phẳng để nghiền nát những con mồi có vỏ cứng như cua, nhím biển.
  • Một điều thú vị là loài cá mập này có độc! Tuy nhiên, chúng chỉ sử dụng khả năng này khi cảm thấy bị đe dọa. Cụ thể, lượng độc tố tập trung ở những chiếc gai độc nằm trên 2 vây lưng, thứ sẽ giúp cá mập Port Jackson trốn thoát khỏi những kẻ săn mồi có kích thước lớn.
  • Có thể nói cá mập Port Jackson là loài động vật “dậy thì muộn”, khi mà tuổi trưởng thành của con đực là 10, còn con cái chỉ thành thục sinh dục khi 14 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của chúng chỉ là 30.
Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2) - 3

Không sở hữu hình dáng kỳ quái, sức mạnh đáng gờm hay khả năng sinh tồn kỳ diệu, loài sên Đuôi Dài vẫn khiến giới khoa học phải trầm trồ, với thứ gọi là “ngòi châm tình yêu”.

Theo đó, vào mùa giao phối, những con sên Đuôi Dài sẽ sử dụng một bộ phận hình mũi lao để đâm vào người của đối phương, với mục đích tiêm một loại hormone “tình yêu” vào cơ thể bạn tình và làm tăng xác suất “đốn gục” trái tim của nửa kia.

Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2) - 4

Cá Nhà Táng (còn được gọi là cá voi Tinh Trùng) là một trong những loài động vật dị thường nhất mà chúng ta biết đến trên Trái Đất:

  • Cá Nhà Táng có thể lặn sâu hơn và ở dưới nước lâu hơn bất kỳ loài động vật thở bằng không khí nào trên hành tinh. Các nhà khoa học khẳng định rằng, “gã khổng lồ” này có thể xuống đến độ sâu 4000 mét dưới mực nước biển.
  • Cá Nhà Táng sở hữu một thứ được gọi là “Long Diên Hương” rất quý giá đối với ngành công nghiệp nước hoa, với giá đắt ngang ngửa vàng nguyên chất nếu so về khối lượng. Nghe tên có vẻ mỹ miều nhưng thực chất Long Diên Hương lại được tạo ra trong hệ tiêu hóa của cá Nhà Táng và được thải ra ngoài cùng với phân!
  • Da của cá Nhà Táng cực kỳ dày! Theo ước tính của các chuyên gia, lớp da này có thể dày gần nửa mét!
  • Người ta từng phát hiện nhiều trường hợp cả đàn cá Nhà Táng ngủ dựng đứng giữa đáy biển, trong những khoảng thời gian ngắn kéo dài 15-25 phút, tạo thành một cảnh tưởng hết sức thú vị và kỳ vĩ!
Điểm danh những loài động vật khiến giới khoa học không ngừng thắc mắc (Phần 2) - 5

Thảo Vy

Theo BS