Đầu mối về thời quá khứ trong ngôi mộ 2.000 năm tuổi ở Trung Quốc

(Dân trí) - Việc phát hiện hơn 100 hạt giống ở miền bắc Trung Quốc có thể mang lại cái nhìn sâu sắc về các giống cây trồng cổ đại và thực phẩm mà con người ăn ở 2 thiên niên kỷ trước.

Đầu mối về thời quá khứ trong ngôi mộ 2.000 năm tuổi ở Trung Quốc - 1

Một phát hiện mới về hơn 100 hạt giống ở khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc đã làm các nhà khảo cổ bối rối. Các hạt giống này có hình bán nguyệt giống với hạt lựu ngày nay, tuy nhiên, theo viện khảo cổ học của địa phương, danh tính của chúng vẫn chưa rõ ràng.

Những hạt giống này được phát hiện trong khi khai quật một ngôi mộ cổ ở Dengkou, miền tây Nội Mông, có niên đại trong khoảng từ giữa đến cuối thời Tây Hán (206 TCN – 25 SCN) và đầu thời đại Đông Hán (25 SCN – 220 SCN).

Craig Barett, giáo sư về sinh học tiến hóa thực vật tại Đại học West Virginia cho biết “một trong những ưu điểm của việc tìm kiếm như thế này là bạn có thể đã bắt gặp được một loại thực vật nào đó mà ngày nay không còn tồn tại, hoặc chúng đã dần bị quên lãng”.

Theo Barrett, các nhà khoa học hiện đại đang rất quan tâm đến việc bảo tồn các biến dị di truyền ở thực vật – được gọi là ngân hàng hạt giống – để cứu các loại hạt giống khác nhau không bị biến mất. Hầm hạt giống Svalbard ở Na Uy là ví dụ lớn nhất cho việc này, với hơn 880.000 mẫu hạt giống từ hầu hết các nước trên thế giới.

Một ưu điểm khác của việc tìm thấy những hạt giống này là tiềm năng để tìm hiểu sâu sắc về chế độ ăn uống của người dân ở hai thiên niên kỷ trước.

Barrett cho rằng, “2.000 năm trước là đủ gần để chúng ta biết một chút về những thứ mọi người đã ăn trong quá khứ”, tuy nhiên nếu hạt giống này thực sự có liên quan đến cây lựu, “nó sẽ thực sự quan trọng đối với việc phát hiện loại hạt lựu cổ đại mà mọi người đã ăn”.

Tại thời điểm này vẫn chưa rõ là liệu các hạt giống đó có thể hồi sinh hay không, nhưng đã có rất nhiều thành công trong việc nỗ lực hồi sinh các hạt giống cổ đại ở các năm gần đây.

Các nhà khảo cổ học cũng đã khai quật được một kho chứa hạt giống 2.000 năm tuổi khi khai quật cung điện của Herod Đại đế ở Israel trong những năm 1960. Các hạt giống này vẫn tiếp tục được cất giữ hơn 40 năm sau, nhưng đến năm 2005, một nhà nghiên cứu thực vật đã quyết định trồng một loại hạt và xem nó có nảy mầm được không.

Thật bất ngờ, hạt giống đã phát triển thành cây chà là Judean và đến thời điểm hiện tại đó là hạt giống lâu đời nhất vẫn nảy mầm thành cây. Cây này vẫn tiếp tục phát triển mạnh và thậm chí đến năm 2011 nó còn cho ra những bông hoa đầu tiên.

Trong năm 2015, các sinh viên ở Winnigeg, Canada đã trồng thành công một loại hạt bí cổ đại được tìm thấy trong khi khai quật khảo cổ ở vùng đất First Nations. Các hạt giống này được cho là khoảng 800 năm tuổi, và nhà trường đã lên kế hoạch tiếp tục lưu giữ các hạt từ các quả bí mà họ đã trồng được nên chúng sẽ không bao giờ bị tuyệt chủng nữa.

Barrett cho rằng phương pháp tiếp cận tương tự cũng nên được thực hiện với trường hợp phát hiện ở miền bắc Trung Quốc. Ông nói, “trong điều kiện tìm hiểu thực tế xem loại thực vật này là gì, gợi ý đầu tiên là đưa những hạt này vào trong đất và xem liệu nó có thể nảy mầm hay không – đây là một cách khá dễ dàng”.

“Tuy nhiên, cũng có những cách khác mà bạn có thể thử. Chẳng hạn như là trong nhóm này có một chuyên gia thực vật đặc biệt có thể xác định loại hạt giống dựa trên hình thái của chúng – hay nói cách khác là dựa trên hình dạng hạt. Lựa chọn cuối cùng là xay một số hạt ra và cố gắng xâu chuỗi lại ADN của chúng – nếu có thể”.

Cuộc khai quật ở miền bắc Trung Quốc đã hé lộ tổng số 18 ngôi mộ đơn bằng gạch, tuy nhiên, hầu hết phần đỉnh của các ngôi mộ này đều lộ thiên và tiếp xúc với không khí, có nghĩa là chúng không được bảo quản tốt.

Vẫn chưa rõ là liệu việc bảo quản kém có ảnh hưởng gì đến việc xác định và tái tạo những hạt giống này hay không.

Trước đó, một nhóm nghiên cứu của Nga cũng phát hiện các hạt giống hoa Silene stenophylla 32.000 năm tuổi ở Siberia. Các nhà khoa học đã chiết xuất mô từ hạt giống bị đông cứng và tái tạo thành công loại hoa này trong phòng thí nghiệm.

Anh Thư (Tổng hợp)