Đại học Bách Khoa Hà Nội: Nơi khai sinh những sản phẩm hữu ích “made in Vietnam”

Chủ động “bắt tay với doanh nghiệp” là một định hướng đúng của Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) từ nhiều năm nay, giúp cho nhiều nghiên cứu hữu ích từ các phòng thí nghiệm liên tục “phủ sóng” ở thị trường trong và ngoài nước.

Biến tri thức thành hàng hóa

Là trung tâm đào tạo kỹ thuật đa ngành hàng đầu của Việt Nam, ĐHBKHN là số ít những đơn vị có nhiều nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn và có kết nối tốt với các doanh nghiệp. Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ĐHBKHN tích cực xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu mở gắn với các phòng thí nghiệm đầu tư tập trung. Hiện trong trường có hơn 200 nhóm nghiên cứu với khoảng 80 nhóm nghiên cứu mạnh. Các kết quả nhiên cứu này đều được hình thành bởi mong muốn giải quyết những vấn đề thực tiễn.

PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN cho biết: “20 năm trước, khi Việt Nam chưa có gạch men tốt như hiện nay, gạch bông Bách Khoa đã được quảng cáo rầm rộ. Điều khiến chúng tôi luôn trăn trở là làm sao để có thể đưa các sản phẩm nghiên cứu của trường vào đời sống, để có nhiều sản phẩm Việt của các nhà khoa học Việt.”


Sản phẩm nghiên cứu của Trường ĐHBK Hà Nội được ứng dụng trong chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact cho Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Sản phẩm nghiên cứu của Trường ĐHBK Hà Nội được ứng dụng trong chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact cho Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Định hướng bắt tay với doanh nghiệp thể hiện rõ ở hàng loạt sản phẩm đã được thương mại hóa thành công từ các công trình nghiên cứu. Sự hợp tác giữa Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và ĐHBKHN được bắt đầu từ năm 2007 là một ví dụ. ĐHBKHN đã chuyển giao cho công ty công nghệ sản xuất một số nguyên vật liệu làm đèn chiếu sáng vốn trước đây vẫn phải nhập khẩu, từ đó, sản phẩm của Rạng Đông đã trở nên quen thuộc đối với đại đa số gia đình Việt.

Không chỉ bắt tay với doanh nghiệp, nhiều thầy giáo của trường đã tự mình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Xuất phát từ mong muốn đưa những nghiên cứu vào ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, PGS. TS Đinh Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh (ĐHBKHN) đã quyết định thành lập Polyco, một công ty riêng chuyên về thiết kế, chế tạo, xây dựng các dây chuyền sản xuất ngành nhiệt lạnh và tự động hóa. Hiện nay, Tập đoàn Cơ điện lạnh Bách Khoa (Polyco) là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt lạnh và thực phẩm, doanh thu 2.000 tỉ đồng/năm.

Giải quyết những vấn đề của cuộc sống

Thực tế hoạt động Khoa học công nghệ của ĐHBKHN thời gian qua đã chứng tỏ tính hiệu quả từ chính số bằng sáng chế đã được cấp. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2015, trường nhận 37 bằng sáng chế trên tổng số 101 đơn đã được chấp nhận hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Các giải pháp được nghiên cứu đều để giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Quân thăm khu triển lãm của Trường ĐHBK Hà Nội tại Techmart 2015

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Quân thăm khu triển lãm của Trường ĐHBK Hà Nội tại Techmart 2015

Thương hiệu sơn chống thấm Kova nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm nay, được đặt theo tên viết tắt của giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (ĐHBKHN). Sơn Kova ra đời khi TS Hòe nhận thấy, vấn đề chống thấm trong xây dựng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để, trong khi các loại sơn ngoại nhập lại có giá quá cao. Hiện nay, Kova có 12 công ty, 7 nhà máy sản xuất, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý tại Việt Nam, Singapore, Lào, Campuchia...

“Nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công. Tôi nghĩ chỉ nên nghiên cứu những gì xã hội cần, có thể ứng dụng, từ đó mới có thể thương mại hóa thành quả nghiên cứu ấy. Hãy luôn nghĩ về mọi người, nghĩ đến cái chung.” - TS Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.

Mong muốn tạo ra những sản phẩm thuần Việt để giải quyết nỗi lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, từ năm 2007, nhóm các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Vật lý kỹ thuật (ĐHBKHN) đã nghiên cứu, phát triển sản phẩm máy Ozone dân dụng và công nghiệp. Không chỉ dừng lại ở đó, những người đứng đầu đã thành lập Công ty Cổ phần phát triển công nghiệp và dịch vụ khoa học kỹ thuật Bách Khoa (BKIDT). Hiện nay, BKIDT là đơn vị sản xuất và xuất khẩu máy Ozone hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Lê Cao Cường, Trưởng nhóm nghiên cứu, người sáng lập Công ty BKIDT, cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã cho ra nhiều dòng sản phẩm khác dựa trên các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học. BKIDT tập trung phát triển các dòng máy ozone công nghiệp, máy ozone gia đình và thiết kế, xây dựng các giải pháp, thi công xử lý nước lọc tinh khiết, nước thải công nghiệp, xử lý chuồng trại chăn nuôi, các hệ thống xử lý rau quả thực phẩm... với mục đích mang đến một giải pháp hiệu quả cho vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm cho người dân.”

Nghiên cứu những gì xã hội cần, sau đó, mạnh dạn bắt tay với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm là một hướng đi đúng của ĐHBKHN để những thành quả nghiên cứu của trường không “lạc lõng” đối với thực tiễn cuộc sống.