“Cổng địa ngục” cháy rừng rực hơn 40 năm không tắt

Hơn 40 năm trước, một ngọn lửa bùng lên từ dưới đất ở trung tâm sa mạc Karakum, Turkmenistan, tới nay vẫn rừng rực cháy cùng nhiều phỏng đoán về nguyên nhân.

“Cổng địa ngục” rực cháy hơn 40 năm không tắt (nguồn video: Youtube)

Hiện chưa có cách giải thích nào chính thức về hiện tượng một miệng hố sâu 20m rực cháy gần một nửa thế kỷ, còn gọi là “Cổng địa ngục” này.

Người dân địa phương gọi nó là cổng địa ngục và nó thu hút rất nhiều người hiếu kỳ trong đó có cả khách du lịch khi đến đất nước Turkmenistan.

Báo Tin tức thông tin, du khách người Australia Elliot Davies đã chia sẻ về chuyến đi tới “Cổng địa ngục” trong bài đăng của anh: “Sức nóng của hố sâu này rất kinh khủng, ánh nắng buổi chiều khiến nó khủng khiếp hơn, và mỗi cơn gió mạnh khiến tôi phải chạy lên ngọn đồi… Hãy tưởng tượng sức nóng kinh khủng phả vào khi bạn mở lò nướng, ngoại trừ việc (hố sâu) nóng hơn nhiều lần bao trùm cơ thể mà không thể thoát ra”.

“Cổng địa ngục” được cho là xuất hiện từ thời Liên Xô sau một thảm họa thăm dò khí đốt. Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, dàn khoan thăm dò khí đốt của các nhà địa chất không may đụng trúng phải túi khí đốt khổng lồ, và mặt đất bên dưới gàn khoan bị đổ sụp tạo thành một hố lớn với đường kính 70 mét.

Để tránh khí rò rỉ gây ngộ độc, người ta đã quyết định đốt nó. Các nhà địa chất dự đoán khí độc sẽ cháy hết trong vài ngày tuy nhiên từ đó đến nay nó vẫn cháy và chưa rõ khi nào nó mới tắt.

Theo Báo Tin tức/Dân Việt