Con người truyền vi khuẩn sang cho loài khỉ xanh

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology của Hoa Kỳ, đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy vi khuẩn S.aureus đã chuyển từ con người sang khỉ xanh sau khi tăng cường tiếp xúc giữa hai loài.

Cúm gia cầm, Ebola, HIV, bệnh phong – danh sách các chứng bệnh ở người mà bị quy kết là do loài vật gây ra. Con người thậm chí còn tràn đầy các cơn thịnh nộ muốn tàn sát khi động vật hoang dã bị cáo buộc làm nhiễm bệnh cho gia súc của chúng ta, chỉ cần hỏi loài lửng ở Anh quốc về điều này (Năm 2013, Chính phủ nước Anh đã lên kế hoạch tiêu diệt hơn 50.000 con lửng để bảo vệ gia súc khỏi bị lây bệnh lao từ loài này).

Tuy nhiên, bằng phát hiện rằng con người đã làm lây nhiễm vi khuẩn Staphulococcus aureus (vi khuẩn này còn được gọi là tụ cầu khuẩn, là những vi khuẩn thường ký sinh ở da người; những chỗ thường gặp bao gồm mũi, nách, háng và vùng sinh dục) cho loài khỉ xanh ở Gambia, thì hiện nay các nhà nghiên cứu đã xác định được một điều mà có lẽ không hề gây ngạc nhiên là việc lây truyền bệnh này hoạt động theo cả hai chiều.


Loài khỉ xanh bị nhiễm vi khuẩn từ loài người khoảng 2.700 năm trước.

Loài khỉ xanh bị nhiễm vi khuẩn từ loài người khoảng 2.700 năm trước.

Quá trình này rất nghiêm trọng. Khi một chứng bệnh đột biến để cho phép nó có thể lây từ loài này sang loài khác, nó có thể phát hiện ra vật chủ không có hoặc có rất ít khả năng miễn dịch.

Năm 1918, một đợt bùng phát bệnh “Cúm Tây Ban Nha” đã làm tử vong khoảng 5% dân số thế giới sau khi lây lan từ gia cầm sang lợn và sau đó lây cho con người.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology của Hoa Kỳ, đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy vi khuẩn S.aureus đã chuyển từ con người sang khỉ xanh sau khi tăng cường tiếp xúc giữa hai loài. Nhìn chung, loài người được cho là đã truyền bệnh từ mũi, tới tay của họ và truyền tới thức ăn cho loài khỉ.

Tiến sĩ Martin Antonio – nhà nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa tại thủ đô Banjul của Gambia cho biết: “Mặc dù là loài hoang dã, những con khỉ này vẫn rất thích nghi với con người – những người thường xuyên cho chúng ăn đậu phộng”.

Các mẫu vi khuẩn đã được lấy từ mũi của khỉ và mũi con người, sau đó đã được kiểm tra ADN. Hầu hết các vi khuẩn ở khỉ đều là hậu duệ của một nhóm các tổ tiên chung đã nhảy từ loài người sang loài khỉ khoảng 2.700 năm trước. Nhưng các mẫu khác đã biến đổi để lây nhiễm cho loài khỉ gần đây là khoảng 7 năm trước.

Một người khác cũng tham gia nghiên cứu là giáo sư Mark Pallen của Đại học Warwick, Anh quốc cho biết: “Vì loài người đã xâm phạm nghiêm trọng vào hệ sinh thái tự nhiên hơn bao giờ hết, nên sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền các mầm bệnh từ con người sang động vật và ngược lại”

Một ca nhiễm S.aureus thường là tương đối nhỏ, gây nhọt và nhiễm trùng da, nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu nó xâm nhập vào máu, khi đó nó có thể gây ra hội chứng sốc độc tố. Đó là “SA” trong vi khuẩn kháng sinh MRSA (Vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin)

Anh Thư (Theo Independent)