Có thể tìm thấy sự sống trên hành tinh khác trong vòng 20 năm nữa

(Dân trí) - Các nhà khoa học từng nghĩ rằng, sự phát hiện Diêm vương tinh năm 1930 là một thành công chỉ diễn ra một lần duy nhất trong đời, nhưng kể từ đó, chúng ta đã phát hiện được 3.500 hành tinh tiềm năng có sự sống.

Có thể tìm thấy sự sống trên hành tinh khác trong vòng 20 năm nữa - 1

Các nhà khoa học của NASA – những người luôn miệt mài suốt ngày đêm để tìm hiểu xem liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ này không – cho rằng chúng ta có thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh trong vài thập kỷ nữa.

Tốc độ mà các nhà khoa học khám phá ra hành tinh có sự sống tiềm năng ở những khu vực lân cận đang tăng lên.

Vùng nam cực của một trong các mặt trăng của sao Thổ - mặt trăng Enceladus – có thể là nơi trú ngụ của sự sống ngoài hành tinh.

Khi được phát hiện vào năm 1930, Diêm vương tinh đã được coi là một thành công phi thường của khoa học, nhưng chỉ chưa đầy 100 năm sau, chúng ta đã phát hiện được hàng trăm nghìn ngoại hành tinh trong các hệ sao khác.

Nhà nghiên cứu Tony del Genio tới từ Viện nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA tin rằng: chúng ta có thể sẽ tìm thấy sự sống ngoài hành tinh ngay trong thế hệ này. Ông phát biểu: “trong vòng 20 năm nữa, chúng ta sẽ tìm thấy một ứng cử viên như vậy”.

Các nhà nghiên cứu sao đang tìm kiếm đầu mối trên chính Trái Đất của chúng ta để hiểu về cách thúc đẩy sự sống. Sử dụng một bộ kính viễn vọng và ra-đa công nghệ cao để tìm kiếm và phân tích các hành tinh trong hệ mặt trời và trong các thiên hà, họ đã tìm được khoảng 3.500 hành tinh có thể mang các đặc điểm giống như Trái Đất.

Vào hôm thứ Tư, một hành tinh cách chúng ta 11 năm ánh sáng đã được xác định là một một nơi có “các điều kiện gần gũi nhất và phù hợp nhất” để sự sống phát triển, mặc dù vẫn cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra liệu nó có thể duy trì nước ở dạng lỏng hay không - vì đó chính là khối cơ bản của sự sống.

Tony và các nhà nghiên cứu khác công tác tại cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ tin rằng ứng cử viên nhiều tiềm năng nhất cho sự sống là hai mặt trăng băng giá Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Môc. Họ tin tưởng ở điều này đến mức sẽ gửi một con tàu vũ trụ tới Europa để tìm hiểu xem liệu có tồn tại sự sống trong các hồ băng khổng lồ ở đó hay không.


Các nhà khoa học cho rằng, các bằng chứng đều chỉ hướng đến việc tồn tại sự sống trên mặt trăng của sao Thổ.

Các nhà khoa học cho rằng, các bằng chứng đều chỉ hướng đến việc tồn tại sự sống trên mặt trăng của sao Thổ.

Nhà khoa học Tony cho hay, “trước khi tìm kiếm sự sống, chúng ta phải cố gắng mường tượng ra những hành tinh như thế nào thì sẽ có khả năng thúc đẩy sự sống”. Và có nhiều yếu tố góp phần vào tiềm năng chứa sự sống của một hành tinh, trong đó có cả khoảng cách của nó so với ngôi sao chủ.

Để trở thành một ngôi nhà tiềm năng, thì cần phải có nước ở dạng lỏng, vì vậy bề mặt của một “thế giới khác” cần phải có một mức nhiệt độ có thể duy trì nước ở dạng lỏng trong hàng tỷ năm - để sự sống có thể phát triển.

Và nếu nơi đó quá xa so với ngôi sao chủ, thì nó cũng sẽ quá lạnh hoặc các đại dương của nó sẽ bị đóng băng.

Nhưng nếu nó nằm quá gần ngôi sao chủ, thì cường độ ánh sáng cực mạnh có thể khiến đại dương bốc hơi và nó phải đón nhận các tia bức xạ chết người từ ngôi sao chủ. Các hành tinh đang trải qua quá trình đại dương biến mất như vậy được cho là bước vào giai đoạn “nhà kính ẩm ướt” và sẽ có một tầng bình lưu ẩm thấp.

Anh Thư (Tổng hợp)