Cô máu thành… bột để bảo quản lâu hơn

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu vừa tìm ra cách lưu trữ máu đặc biệt có thể giúp lưu trữ trong một thời gian dài, có thể phục vụ cho các sứ mệnh nghiên cứu hành tinh khác.

Cô máu thành… bột để bảo quản lâu hơn - 1

Jonathan Kopechek, nhà nghiên cứu sinh học của Đại học Louisville, người đứng đầu nghiên cứu nói rằng sự gián đoạn đối với việc hiến máu thường xuyên do đại dịch Covid-19 đã gây căng thẳng cho việc cung cấp máu đối với các bệnh viện và đại dịch cũng là vấn đề cho thấy chúng ta cần thiết phải có phương pháp lưu trữ máu lâu dài đáng tin cậy hơn.

Để giải bài toán này, nhóm nghiên cứu của Kopechek đã phát triển một phương pháp bảo quản máu để nó có thể được lưu trữ ở trạng thái mất nước ở nhiệt độ phòng. Để làm như vậy, họ đã chuyển sang nghiên cứu một chất bảo quản đặc biệt đó là một loại đường có tên trehalose, một thành phần phổ biến có trong bánh… donut.

Các nhà nghiên cứu đã chọn trehalose bởi vì trong tự nhiên nó được tạo ra bởi những động vật nổi tiếng “sống dai” trong các điều kiện khắc nghiệt như gấu nước tardigrades và khỉ biển hay còn gọi là tôm muối tôm nổi tiếng vì khả năng sống sót khi bị mất nước.

Những con vật này có thể khô hoàn toàn trong một thời gian dài và sau đó chỉ cần được bù nước lại tiếp tục hoạt động bình thường. Vì vậy, các nhà khoa học cho biết muốn sử dụng trehalose mà các sinh vật này tạo ra và áp dụng điều đó để bảo quản các tế bào máu ở trạng thái khô giống như các sinh vật trên.

Nhưng trước tiên, thách thức đặt ra đó là các nhà nghiên cứu phải đưa trehalose vào tế bào máu. Họ đã sử dụng sóng siêu âm để khoan các lỗ tạm thời trên màng tế bào cho phép một số trehalose xâm nhập. Họ cần phải có đủ lượng trehalose ở cả bên trong và bên ngoài tế bào giúp tế bào có thể để sống sót qua quá trình mất nước và bù nước.

Như vậy máu có thể được sấy khô và tạo thành bột. Sau đó, chúng ta có thể bù nước và đưa nó trở lại bình thường. Nhóm nghiên cứu vẫn đang cố gắng cải thiện năng suất để giúp máu khô có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong nhiều năm.

Kopechek nói rằng kỹ thuật này có thể sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng từ ba đến năm năm. Nếu thành công, nó có thể được sử dụng để tạo ra các kho máu khô trong trường hợp xảy ra đại dịch trong tương lai, các vấn đề thiên tai, hoạt động viện trợ nhân đạo hay hoạt động quân sự hoặc thậm chí là các nhiệm vụ lên Sao Hỏa.

Trang Phạm

Theo Scientific American