DMagazine

Chuyện về nhà khoa học khởi dựng hướng nghiên cứu công tác xã hội Phật giáo

(Dân trí) - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) hiện là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ ngành Công tác xã hội. Hơn 20 năm gắn bó với mái trường này, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan luôn tự hào về định hướng phát triển học thuật ở nơi đây.

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) hiện là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ ngành Công tác xã hội. Hơn 20 năm gắn bó với mái trường này, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan luôn tự hào về định hướng phát triển học thuật ở nơi đây.

Rời xa lĩnh vực gần 10 năm gắn bó để đến với ngành công tác xã hội

Gắn bó với Khoa Tâm lý học gần 10 năm, từng đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học trường đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đã cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng các chương trình đào tạo, phát triển các hoạt động học thuật của Khoa, đồng thời tạo dựng uy tín chuyên môn cho mình trong ngành Tâm lý học.

Chuyện về nhà khoa học khởi dựng hướng nghiên cứu công tác xã hội Phật giáo - 1

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (Ảnh: Kiến Thức)

Năm 2009, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan chính thức chuyển sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Xã hội học với nhiệm vụ xây dựng lực lượng và uy tín học thuật cho một ngành non trẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan tâm sự: “Tôi được đào tạo và có một thời gian khá dài gắn với công tác giảng dạy và nghiên cứu tâm lí học. Sau này, khi sang làm công tác xã hội thì tôi thấy thú vị và phát hiện rằng bản chất ngành công tác xã hội là ngành khoa học ứng dụng, có áp dụng nhiều chuyên môn của ngành tâm lí học. Từ đó, tôi tiếp tục phát huy được chuyên môn gốc của mình và có cơ hội phát triển chuyên môn mới”.

Trước đó, không ít lần PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đã định hướng cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về ứng dụng tâm lí học theo hướng công tác xã hội và học trò của ông bảo vệ thành công.

Khi chuyên tâm gắn bó với ngành công tác xã hội, PGS. Hồi Loan nhận ra rằng, công tác xã hội không phải là từ thiện, không phải là ngành đơn thuần là đi giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội mà là ngành khoa học, do đó các hoạt động của nó phải tiến hành trên các lý thuyết, luận điểm và phương pháp khoa học. Đồng thời, công tác xã hội cần phải xuất phát và gắn với thực tiễn của từng địa phương và quốc gia.

Nhớ về ngày đầu, khi rời xa lĩnh vực mình đã gắn bó lâu năm, PGS. Nguyễn Hồi Loan cảm thấy khá hụt hẫng. Nhưng nhận thức được trách nhiệm của mình, Ông đã dành khá nhiều thời gian để tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn về công tác xã hội, tích cực tham dự các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm tự hoàn thiện chuyên môn công tác xã hội của mình, đồng thời ấp ủ, nhen nhóm những ý tưởng nghiên cứu mới của Bộ môn.

Trong một thời gian ngắn, với quyết tâm của bản thân, PGS. Nguyễn Hồi Loan đã lĩnh hội được những kiến thức quan trọng của ngành học này. Ông thấy mình có những thay đổi tích cực cùng với những thay đổi của bộ môn.

Chuyện về nhà khoa học khởi dựng hướng nghiên cứu công tác xã hội Phật giáo - 2

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tại hội thảo quốc tế.

Phát huy ưu thế cởi mở và kết nối của ngành học, PGS. Nguyễn Hồi Loan cùng các cộng sự ở bộ môn công tác xã hội đã kế tục và gây dựng thêm nhiều kết quả mới. Thông qua các hoạt động chuyên môn, năng lực của cán bộ của Bộ môn không ngừng được nâng cao. Bộ môn Công tác xã hội cũng trở thành địa chỉ giao lưu, trao đổi chuyên môn uy tín đối với các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong các hoạt động chuyên môn, đồng nghiệp, học trò luôn nhớ tới ông như hình ảnh của một giảng viên thẳng thắn, tâm huyết, say mê nghề nghiệp.

Những tâm huyết và nỗ lực của PGS. Nguyễn Hồi Loan và các đồng nghiệp đã cho ra đời chương trình đào tạo thạc sĩ công tác xã hội và tiến sĩ công tác xã hội đầu tiên ở Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên công tác xã hội cho cả nước. Lúc này, Ông bắt đầu trăn trở về những hướng đi mới để khẳng định uy tín học thuật của Việt Nam trong cộng đồng nghiên cứu công tác xã hội quốc tế.

Công tác xã hội Phật giáo – Hướng đi mới ở Châu Á và Việt Nam

Theo PGS. Nguyễn Hồi Loan, ngành công tác xã hội có nguồn gốc từ các các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc, ... Các lí thuyết, phương pháp được các nhà khoa học ở các quốc gia này xây dựng dựa trên lí thuyết, bối cảnh văn hóa, dân tộc của họ. PGS. Nguyễn Hồi Loan quan niệm nếu áp dụng nguyên phương pháp công tác xã hội đó vào thực tiễn của Việt Nam thì những người làm công tác xã hội Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại.

Cần một con đường riêng cho công tác xã hội Việt Nam, mà ở đó vừa tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phải phù hợp với những vấn đề, đặc trưng của xã hội Việt Nam. Quan điểm này luôn nhất quán trong sự nghiệp khoa học và giảng dạy của ông.

Là người luôn đề cao ý tưởng trong khoa học, ông khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học để vừa củng cố lí thuyết, vừa có thêm thực tiễn xã hội. Trong quá trình nghiên cứu không nên lặp lại bước đi của giảng viên đi trước, cần phải có sự phản biện, hoài nghi và đặt câu hỏi để đào sâu tìm hiểu, để nắm bắt tri thức một cách vững chắc nhất. Đó là tư duy cần có của giảng viên và người làm khoa học. Không ít lần ông gay gắt “nếu không nghiên cứu khoa học thì đừng làm giảng viên đại học”.

Chuyện về nhà khoa học khởi dựng hướng nghiên cứu công tác xã hội Phật giáo - 3

Với quyết tâm thoát khỏi những đường mòn cũ, PGS. Nguyễn Hồi Loan và các đồng nghiệp của mình đã đưa ra và từng bước xây dựng những nội hàm quan trọng của khái niệm “công tác xã hội Phật giáo”. Một dự án liên kết 10 quốc gia Châu Á để xây dựng và phát triển các khía cạnh khác nhau để đưa “công tác xã hội Phật giáo” trở thành một hướng chuyên môn sâu, một đặc trưng của Công tác xã hội Châu Á đã hình thành. Đây cũng là một thành quả khoa học khẳng định vị thế của ngành CTXH Việt Nam. Năm 2017, ông đã được các đồng nghiệp Nhật Bản và các quốc gia Châu Á khác vinh danh là người khởi xướng và tiên phong trong nghiên cứu khoa học về Công tác xã hội Phật giáo.

Theo PGS. Nguyễn Hồi Loan, các nhà sư làm từ thiện và huy động nguồn lực cho những sự kiện, cá nhân yếu thế hay các công việc nhất thời rất giỏi. Dưới góc độ khoa học, PGS. Loan cho rằng việc thiện nguyện đó nếu chỉ duy trì ở tính thời điểm thì không bền vững và phần nào gieo vào những đối tượng yếu thế tính ỷ lại, trông chờ. Ông cùng các cộng sự thấy cần thiết phải đưa tư tưởng khoa học, phương pháp khoa học của công tác xã hội để giúp những người yếu thế đứng lên, tự mình vượt qua và tự giải quyết vấn đề của họ.

Định hướng ấy của ông cũng đã góp phần nhỏ bé của mình trong chương trình đào tạo của hệ thống các Học viện Phật giáo. Đồng thời, việc tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp những nhóm yếu thế chính là “phương tiện môn”, là con đường để Phật giáo đi sâu và góp phần tích cực của mình vào đời sống xã hội, hướng đến một xã hội an toàn, hạnh phúc cho người dân.

Ngọc Điệp