Chỉ số GII 2017 của Việt Nam tăng: Khoa học công nghệ đã đóng vai trò gì?
(Dân trí) - Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII-2017), Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, vượt 12 bậc so với 2016 (xếp thứ 59). Vậy khoa học công nghệ đã đóng vai trò gì trong việc tăng chỉ số GII?
Đây là vấn đề được phóng viên báo Dân trí nêu ra tại cuộc họp báo quý II của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra vào sáng nay (7/7).
Theo Bộ KH&CN, Chỉ số GII năm 2017 là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trực tiếp tại Nghị quyết số 19/NQ - CP là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bộ ngành và địa phương thực sự hết sức nỗ lực trong cải thiện chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Những kết quả này ngay lập tức được ghi nhận trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2017. Bằng Nghị quyết 19 năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu thông qua 4 đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín: về mức độ thuận lợi kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử. Đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Trả lời câu hỏi của báo Dân trí, ông Bùi Thế Duy – Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết: GII là chỉ số tổng thể nói lên khả năng đổi mới sáng tạo của một quốc gia, trong đó đối với Việt Nam thì nó thể hiện môi trường đóng góp của ngành khoa học công nghệ nói chung. Ở đây, đóng góp của khoa học công nghệ không đứng một mình mà nó song hành với tất cả các ngành/lĩnh vực khác.
Ông Duy cũng lưu ý, các hoạt động theo cơ chế chính sách, các hoạt động của Bộ KH&CN hiện nay vẫn đang song hành với các Bộ/ngành cũng như cùng với các ngành lĩnh vực khác trong việc đóng góp và phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động của ngành khoa học công nghệ không chỉ nằm riêng ở Bộ KH&CN mà nó cũng được triển khai ở các bộ/ngành, địa phương khác.
Chánh văn phòng Bộ KH&CN cũng cho rằng, GII của Việt Nam năm 2017 tăng, trong đó có chỉ số liên quan trực tiếp đến khoa học công nghệ thì không chỉ thể hiện kết quả ở năm 2016 mà nó còn thể hiện kết quả tích lũy của các năm trước.
Đối với khoa học công nghệ khi tác động vào thì nó là cả một quá trình. Ví dụ, chỉ số huy động xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ tăng là sau khi có chính sách được triển khai gần đây, đặc biệt là Luật Khoa học công nghệ. Khi đó thông qua các huy động của doanh nghiệp, thông qua đối ứng khi triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như sự phát triển của Quỹ Khoa học công nghệ của doanh nghiệp thúc đẩy lên thì nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp tăng dẫn đến chỉ số này tăng.
Hay như sản phẩm sáng tạo, sản phẩm công nghệ cao thì nó thể hiện ở đầu ra của các ngành/hàng của doanh nghiệp. Đây cũng chính là sản phẩm của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Chẳng hạn có những đề tài mà Bộ KH&CN hỗ trợ từ những năm 2002-2003 về chiết xuất cây Trinh nữ Hoàng cung thì phải đến năm 2016 sản phẩm mới bắt đầu được hoàn thiện và xuất sang thị trường Mỹ tạo ra sản phẩm đặc thù cho Việt Nam.
Một trong những chỉ số thể hiện rất rõ vai trò của khoa học công nghệ đó chính là tốc độ tăng năng suất lao động của chúng ta luôn ở trong tốp đứng đầu.
“Đóng góp của ngành khoa học công nghệ không phải chỉ ở một hay hai đề tài mà nó thông qua chỉ số vĩ mô phát triển kinh tế xã hội” – Chánh Văn phòng Bùi Thế Duy nói.
Nguyễn Hùng