Các phi hành gia trên sao Hỏa sẽ có nguy cơ mắc ung thư

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho rằng, những phi hành gia tới sao Hỏa để thực hiện các nhiệm vụ dài hạn và không còn sự bảo vệ của từ trường Trái đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với các mô hình nghiên cứu thông thường.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một thành viên của nhóm nghiên cứu – ông Francis Cucinotta tới từ Đại học Nevada, Las Vegas – cho biết “cuộc thám hiểm sao Hỏa sẽ cần ít nhất 900 ngày hoặc lâu hơn, và cả hơn 1 năm trong vũ trụ - nơi tiếp xúc với tất cả các tia vũ trụ giàu kim loại nặng. Việc tiếp xúc với tia vũ trụ có thể phá hủy hạt nhân trong tế bào và gây ra các đột biến có thể dẫn tới ung thư”.

Trong phát hiện mới này, một mô hình tác động không mục tiêu – gia tăng nguy cơ phát sinh ung thư ở những tế bào nằm gần các tế bào bị tổn thương nặng – đối với nhiệm vụ sao Hỏa cho thấy sẽ dẫn tới nguy cơ mắc ung thư cao gấp hai lần hoặc thậm chí còn cao hơn nữa khi so sánh với mô hình thông thường.

Theo Cucinotta, “chúng ta đã biết rằng các tế bào bị tổn thương sẽ gửi tín hiệu ra xung quanh, tới những tế bào chưa bị ảnh hưởng và có thể sẽ làm thay đổi môi trường của mô. Dường như những tín hiệu này sẽ làm cho các tế bào khỏe mạnh bị biến đổi, do đó tạo thêm các khối u hoặc ung thư”.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh nguy cơ về sức khỏe của các phi hành gia khi tiếp xúc với tia vũ trụ gồm có: bệnh ung thư, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, đục thủy tinh thể, các bệnh về tuần hoàn và các hội chứng cấp tính.

Các loại tia vũ trụ,chẳng hạn như các tia chứa nguyên tử sắt và titan sẽ phát hủy tế bào nghiêm trọng khi chúng đi qua vì mức độ ion hóa của chúng rất cao.

Cucinotta cho rằng, “với khả năng che chắn bức xạ hiện tại thì ngay cả trong điều kiện tốt nhất vẫn chỉ giảm nguy cơ phơi nhiễm một cách khiêm tốn”.

NASA đã lên kế hoạch để đưa con người tới sao Hỏa trong những năm 2030.

Anh Thư (Theo Indiatimes)