Các nhà khoa học tìm giải pháp để phát triển bền vững du lịch Mộc Châu

(Dân trí) - Năm 2015 đã đánh dấu một dấu ấn quan trọng đối với ngành du lịch huyện Mộc Châu khi được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Điều này đã chứng tỏ du lịch Mộc Châu có những tiềm năng to lớn trong việc phát triển, thu hút khách du lịch từ bốn phương. Tuy nhiên làm thế nào để phát triển bền vững là bài toán tỉnh Sơn La đặt ra cho các nhà khoa học.

Nhằm tìm lời giải cho bài toán này, tháng 8/2016, trường Đại học Ngoại thương được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trì thực hiện đề tài KH & CN cấp tỉnh Sơn La “Nghiên cứu phát triển dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch huyện Mộc Châu và Vân Hồ tỉnh Sơn La”. Nhóm nghiên cứu được thành lập gồm 10 thành viên là cán bộ, giảng viên của 4 trường Đại học Ngoại thương phối hợp với giảng viên, cán bộ quản lý của Đại học Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (UBND tỉnh Sơn La) - ThS. Lưu Hải Anh, Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch Việt Nam) - Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu - Bà Đinh Thị Hường, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ - Ông Vũ Thanh Hải, Phòng Nội vụ huyện Mộc Châu - Ông Trần Xuân Việt.

Sau hơn một năm triển khai các nhà khoa học đã có những bước đánh giá sơ bộ ban đầu về sự phát triển của du lịch Mộc Châu.

Tiềm năng vô cùng lớn

Một trong những vẻ đẹp của Mộc Châu phải kể đến đầu tiên là cảnh vật, đặc biệt vào những thời điểm khi mùa xuân về. Đầu năm, khi những cánh đào, cánh mận nở rực một góc trời cũng là lúc Mộc Châu thu hút một lượng lớn khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sắc hoa. Đến tháng 3 khi quả đào, quả mận non tơ xuất hiện cũng là lúc đón những cánh ban trắng muốt. Hè sang là những cánh đồng chè xanh mướt, hay những quả mận đã sai trĩu quá. Và sang đông, khi những cánh hoa dã quỳ, hoa cải nở tươi thắm cũng là thời điểm du lịch tập trung về nơi đây…


Những đồi chè thoai thoải xanh ngắt ở cao nguyên Mộc Châu là một trong những điểm nhấn hấp dẫn những người ham xê dịch.

Những đồi chè thoai thoải xanh ngắt ở cao nguyên Mộc Châu là một trong những điểm nhấn hấp dẫn những người ham xê dịch.

Như vậy, những cảnh thiên nhiên tại Mộc Châu đã là một nét khác biệt lớn so với các địa điểm du lịch khác. Ngoài ra, du khách cũng có thể đi thăm thác Dải Yếm, hang Dơi, rừng thông Bản Áng, là một trong những điểm du lịch nổi bật ở Mộc Châu. Bên cạnh đó, khi du lịch Mộc Châu, các du khách có dịp tham gia vào các hoạt động văn hóa của người bản địa.

Theo Thạc sỹ Lê Ngọc Lan – Giảng viên trường ĐH Ngoại thương, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, với những ưu điểm trên có thể thấy rằng tiềm năng du lịch của Mộc Châu là vô cùng lớn.

Minh chứng sự hấp dẫn của du lịch Mộc Châu, bà Đinh Thị Hường – Trưởng phòng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Vân Hồ cho biết thêm: Du lịch Mộc Châu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong những năm qua số lượng khách đến tham quan du lịch tại Mộc Châu không ngừng tăng, năm 2015 khách du lịch đến với Mộc Châu trong ước đạt 750.000 lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 717.500 lượt, khách quốc tế ước đạt 32.500 lượt; tổng doanh thu xã hội ước đạt 500 tỷ đồng. Năm 2016, khách du lịch đến với Mộc Châu trong tăng nhanh, ước đạt 1.050.000 lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 1.000.000 lượt, khách quốc tế ước đạt 50.000 lượt; tổng doanh thu xã hội ước đạt 735 tỷ đồng.

Mặc dù có tiềm năng vô cùng lớn nhưng theo Thạc sỹ Lê Ngọc Lan, du lịch Mộc Châu đang còn rất nhiều hạn chế như các hình thức du lịch còn tự phát; nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; nhân lực của ngành du lịch còn có yếu kém; chưa thực sự đầu tư quảng bá hình ảnh du lịch; chưa kết nối được các mô hình du lịch…

Làm sao để phát triển bền vững?

Tại một cuộc hội thảo khoa học mới đây được tổ chức tại Mộc Châu, TS Trần Xuân Kiên - Giảng viên Đại học Kinh tế, Đại học Thái Nguyên đã đưa kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến Mộc Châu sau khi khảo sát đánh giá chi tiết. Theo đó, nhìn chung, phần lớn khách trẻ tuổi là đối tượng khách hàng chính của du lịch cao nguyên Mộc Châu. Trong đó, đa số du khách được hỏi là nam (58%), còn lại là nữ (42%). Độ tuổi trung bình của du khác là 26 tuổi, do vậy thuộc đối tượng thanh niên trẻ tuổi. Du khác trong độ tuổi 20-25 có tỷ trọng lớn nhất (44.5%), theo sau là độ tuổi 25 -30 (26.7%). Thấp nhất là du khách có độ tuổi trên 50 (2%). Cơ cấu theo đội tuổi này cho thầy khách du lịch trong độ tuổi thanh niên là phần lớn.


Hội thảo khoa học để phát triển bền vững du lịch Mộc Châu mới đây của nhóm tác giả nghiên cứu đã thu hút đông đảo những hộ gia đình làm du lịch ở Mộc Châu tham gia.

Hội thảo khoa học để phát triển bền vững du lịch Mộc Châu mới đây của nhóm tác giả nghiên cứu đã thu hút đông đảo những hộ gia đình làm du lịch ở Mộc Châu tham gia.

Điều này phán ảnh thực tế du lịch Mộc Châu là loại hình có cường độ vận động cao, di chuyển nhiều nên ít phù hợp với du khách cao tuổi. Ngoài ra trong số 200 khách được hỏi chỉ có 15% là khách du lịch nước ngoài, khách du lịch nước ngoài thường dừng chân ở Mai Châu là nhiều và một số ít duy chuyển tiếp tục lên Mộc Châu.

Phần lớn khách du lịch là người chưa kết hôn (gần 2/3) tổng số khách được hỏi. Phần lớn khách đến Mộc Châu là từ Hà Nội và tỉnh lân cận. Hình thức của chuyến đi đa số là nhóm bạn, gia đình tự tổ chức, riêng khách nước ngoài là đi theo tour du lịch. Đến Mộc Châu, du khách chi tiêu ở mức từ 3 -5 triệu đồng là phổ biến (chiếm 36%) sau đó là 1-3 triệu đồng (25%).

Phần lớn khác du lịch đến Mộc Châu chỉ lưu trú từ 2-3 ngày, do đó mức chi cho một chuyển đi như vậy là hoàn toàn phù hợp. Cuối cùng, hình thức du khách thu thập thông tin về Cao nguyên chủ yếu là tự bản thân (50%), người quen (20%), tờ rơi quảng cáo (12%). Như vậy để khách du lịch biết đến Mộc Châu hơn nữa thì chính quyền địa phương cần có kế hoạch quảng bá phù hợp và hiệu quả hơn.

Kết quả khảo sát cũng chi ra rằng, yếu tố sản phẩm/điểm thu nhất của Mộc Châu chỉ đạt giữa mức trung bình và khá. Những tài nguyên du lịch sẵn có như khí hậu/thời tiết,danh lam thắng cảnh, sinh thái, văn hóa được đánh giá cao hơn hắn (phần lớn đạt trên mức khá) so với du lịch tạo thêm như lễ hội, mua sắm, vui chơi giải trí,… dao động từ mức dưới trung bình đến khoảng giữa mức khá và trung bình. Kết quả này khá phù hợp với tình hình thực tiễn du khác đến Mộc Châu chủ yếu để nghỉ dưỡng hưởng không gian trong lành của thiên nhiên. Các giá trị ga tăng tạo thêm từ vui chơi giải trí, lễ hội chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn được du khách. Ngoài ra, tiêu chí ấm thực cũng được du khách đánh giá cao. Cao Nguyên Mộc Châu nổi tiếng với những món ẩm thức tươi ngon, sạch và đặc trưng của vùng…

“Kết quả đánh giá từ khảo sát cho thấy sự thành công của một điểm đến du lịch được quyết định bởi năng lực cạnh tranh. Có được một vị trí cao trên thị trường du lịch luôn đi đôi với việc duy trì, phát huy và tăng cường năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh là tổng hợp của nhiều yếu tố. Sự hấp dẫn của một điểm đến du lịch trong con mắt du khách không chỉ đơn thuần là đến từ những lợi thế về tự nhiên, văn hóa, môi trường mà còn từ quá trình quản lý, bảo tồn và tạo thêm giá trị từ những lợi thế đó.” – TS Kiên nói.

Trên cơ sở phân tích đánh giá, các nhà khoa học cho rằng, đối với khách du lịch trong nước đặc biệt quan tâm đến việc đa dạng các dịch vụ phục vụ du khách, đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, phát triển các dịch vụ du lịch cao nguyên, các hoạt động thể thao mạo hiểm. Xây dựng nhiều tour đa dạng với mức giá hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần thiết phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Một điểm nữa mà các du khách quan tâm đó là cần không ngừng đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên toàn địa bàn như: Tăng thêm các biển báo điểm đến, biển báo cảnh báo nguy hiểm; Trang bị thêm giỏ rác ở địa điểm du lịch. Ngoài ra, cần có thêm dịch vụ vận chuyển công cộng (xe buýt, …) để thuận tiện hơn trong việc di chuyển giữa các điểm tham quan.

Bên cạnh đó, trong thời gian đến địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực văn hóa vì loại hình du lịch văn hóa trên địa bàn Mộc Châu còn quá hạn chế. Ngoài ra, cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để du khách có thể tìm được các cửa hàng mua sắm (quà lưu niệm, đặc sản vùng miền) và có thể yên tâm hoàn toàn về chất lượng của các sản phẩm du lịch đó.

Đối với khách nước ngoài, ý kiến đầu tiên được khá nhiều du khách quốc tế đề xuất đó là đa dạng sản phẩm du lịch như khai thác thêm nhiều điểm du lịch (tour du lịch); phát triển du lịch văn hóa tăng cường giới thiệu đến khách du lịch những câu chuyện về văn hóa lịch sử đặc thù của địa phương nhiều hơn; tổ chức các hoạt động giao lưu cộng đồng; xây dựng những tuyến đường nghệ thuật để tạo ấn tượng cho sự phát triển hình ảnh điểm đến du lịch Mộc Châu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát giá taxi tránh sự phân biệt giá giữa du khách nước ngoài và trong nước. Nên quy hoạch các tiệm ăn lề đường, xây dựng tuyến đường dành cho người đi bộ. Phát triển thêm cơ sở hạ tầng như bệnh viện cho người nước ngoài.

Đặc biệt các du khách quốc tế đề xuất nên xây dựng các công trình theo phong cách địa phương, cần cải thiện chất lượng ngoại ngữ đồng thời nên có thêm biển hướng dẫn bằng tiếng Anh để thuận tiện hơn cho du khách. Cuối cùng, cần có nhiều chương trình xúc tiến du lịch Mộc Châu hơn nữa.

Nguyễn Hùng