Các nhà khoa học Nga thử nghiệm virus có thể tiêu diệt tế bào ung thư

(Dân trí) - Các nhà khoa học Nga cho biết, giai đoạn đầu tiên của các thử nghiệm, được thiết kế để chứng minh rằng loại thuốc này không gây hại cho con người, có thể kết thúc sớm nhất là vào giữa năm 2022.

Các nhà khoa học Nga thử nghiệm virus có thể tiêu diệt tế bào ung thư - 1

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh hoá và Y học cơ bản của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã hoàn thành việc phát triển một loại virus có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể người và đang chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về loại thuốc được cho sẽ là một bước đột phá tiềm năng, Phó Giám đốc Viện Vladimir Richter thông tin.

Để đảm bảo theo đúng quy trình pháp lý, các nhà nghiên cứu sẽ đệ trình tất cả các tài liệu cần thiết cho việc này cho Bộ Y tế vào tuần tới. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ là kiểm tra xem thuốc có vô hại với con người hay không và sẽ tiếp tục trong một năm rưỡi nữa.

"Chúng tôi đã tạo ra một loại virus dựa trên vắc-xin bệnh đậu mùa. Sau đó đã loại bỏ hai gene khỏi virus, những gene xác định độc lực làm cho nó ít nguy hiểm hơn. Sau đó, chúng tôi đã thay thế các gene này bằng hai gene khác, giúp tăng cường khả năng của virus”, các nhà khoa học cho biết.

Virus được thiết kế mới sẽ tiêm vào cơ thể bệnh nhân, sau đó nó tìm thấy một tế bào ung thư, lây nhiễm và bắt đầu sinh sản. Trong quá trình này, virus tạo ra các protein giết chết tế bào và bắt đầu lan rộng hơn khắp cơ thể để tìm kiếm các tế bào ung thư mới. Đồng thời, virus không thể lây nhiễm hoặc sinh sản trong các tế bào không gây ung thư.

"Kết quả chúng tôi đã có một loại thuốc ức chế khối u ung thư một cách hiệu quả, tìm kiếm và tiêu diệt di căn. Nó thực chất là một loại thuốc tự sao chép. Về lý thuyết, loại thuốc mới này có thể chống lại các khối u trong cơ thể trong một thời gian dài sau một mũi tiêm”, Richter nói.

Virus ban đầu được các nhà khoa học phát triển để chống ung thư vú, nhưng các thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy nó cũng có hiệu quả chống lại các loại ung thư khác.

Trang Phạm

Theo Sputnik