Các nhà khoa học chế tạo kính thiên văn để tìm kiếm một Trái đất khác

(Dân trí) - Chiếc kính thiên văn đầu tiên để chụp ảnh một “dấu chấm màu xanh lơ” của một Trái đất khác trong một hệ mặt trời khác, có thể không phải do NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu, hay một số cơ quan thuộc chính phủ nào tài trợ, mà có thể được tài trợ nhờ Kickstarter.

Hỉnh ảnh mô phỏng về 1 hành tinh giống Trái đất nằm quanh ngôi sao Alpha Centauri
Hỉnh ảnh mô phỏng về 1 hành tinh giống Trái đất nằm quanh ngôi sao Alpha Centauri

Được mệnh danh là Dự án Xanh – Project Blue, hoạt động này đang thực hiện một chương trình phi lợi nhuận có tên gọi Sứ mệnh Centaur để tìm kiếm một khu vực có thể có sự sống.

Những người thực hiện Sứ mệnh Centaur hy vọng, 6 tuần xin tài trợ trên Kickstarter – bắt đầu từ 15/11 – sẽ mang đến cho họ ít nhất 1 triệu USD – số tiền đủ để tiếp tục công việc nghiên cứu mà họ đã bắt đầu thực hiện ở NASA, NASA đã chấm dứt tài trợ cho nghiên cứu này vì tính rủi ro cao. Không có gì để đảm bảo rằng trong số các hành tinh của Alpha Centauri, sẽ có một hành tinh có sự sống như Trái đất của chúng ta.

Nhóm nghiên cứu dự kiến, nhiệm vụ này sẽ tiêu tốn khoảng 25 triệu – 50 triệu USD để đưa kính thiên văn của họ đi vào quỹ đạo tầm thấp xung quanh Trái đất trong năm 2018, và kích thước của thiết bị này có thể tương đương với 1 chiếc máy giặt.

Các nhà khoa học chế tạo kính thiên văn để tìm kiếm một Trái đất khác - 2

Mục tiêu của Project Blue là Alpha Centauri – một hệ sao gồm 2 ngôi sao chỉ cách hệ mặt trời của chúng ta 4,4 năm ánh sáng. Trong đó có một ngôi sao là Alpha Centauri A còn rất giống với mặt trời.

Tuy nhiên, không một ai thực sự biết rằng liệu trong hệ sao đôi này có thể ẩn nấp một hành tinh màu xanh giống như Trái đất – một thế giới với các đại dương lỏng, một bầu khí quyển ấm áp và các điều kiện cần thiết khác cho sự sống hay không.

Tuy nhiên, một thành viên của dự án Project Blue là Supriya Chakrabarti – một nhà khoa học về quang học và không gian tại Đại học Massachusetts Lowell cho rằng, các số liệu mới đây từ kính thiên văn Kepler đã chốt tỷ lệ cược về sự tồn tại của một hành tinh đá trong khu vực có sự sống của hệ sao này là gần 85%.

Theo Ruslan Belikov – một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA thì “số lượng các hành tinh có thể có sự sống trong riêng thiên hà của chúng ta đã lớn hơn số người sống trên Trái đất”.

Thách thức quan trọng nhất và tốn kém nhất của dự án này là phải phát triển một chiếc kính thiên văn coronagraph hiệu suất cao – một thiết bị có khả năng ngăn chặn ánh sáng từ 2 ngôi sao chủ để các nhà khoa học có thể phát hiện các phản xạ mờ nhạt của các hành tinh lân cận chúng – nếu những hành tinh đó tồn tại.

Project Blue không phải là dự án khám phá vũ trụ duy nhất tìm kiếm nguồn tài trợ từ cộng đồng. Chương trình khám phá mặt trăng Lunar Mission One ở Anh quốc với mục tiêu là đưa 1 tàu đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2024 cũng đã thu hút được 900.000 USD tài trợ trên Kickstarter trong năm 2014.

Project Blue cũng không phải dự án duy nhất nhắm đến Alpha Centauri. Dự án Breakthrough Starshot của Stephen Hawking và Yuri Milner cũng hy vọng đưa các tàu thăm dò sử dụng năng lượng ánh sáng tới hệ sao này, tuy nhiên, dự án này sẽ phải mất ít nhất 20 năm để khởi động và các chương trình chế tạo khác để đạt mục tiêu.

Kính thiên văn của Project Blue sẽ mất 2 năm để chụp ảnh hệ thống và theo dõi bất cứ hành tinh nào nó tìm thấy. Đến năm 2020, có thể chúng ta sẽ kinh ngạc khi thấy một dấu chấm màu xanh nhạt giữa không gian màu đen.

Anh Thư (Tổng hợp)