Các nhà khoa học biến cáp quang dưới biển thành máy đo địa chấn

(Dân trí) - Giám sát hoạt động địa chấn trên toàn thế giới là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng làm thế nào để đo được những thay đổi ở giữa đại dương là cả một vấn đề. Giải quyết bài toán này, các nhà khoa học tại Đại học Berkeley, California đã tìm ra một phương án mới.

Lời giải chính là các tuyến cáp quang dưới biển. Mạng lưới cáp quang biển có thể tạo ra một cái nhìn toàn cầu chưa từng thấy về các chuyển động kiến ​​tạo của Trái đất.

Các nhà khoa học biến cáp quang dưới biển thành máy đo địa chấn - 1
Các tuyến cáp quang biển có thể có tác dụng đặc biệt hơn.

Thực tế, các nhà địa chấn học chủ yếu nhận được tất cả dữ liệu từ các thiết bị trên đất liền, điều đó có nghĩa là hầu hết kiến ​​thức của chúng ta về hoạt động địa chấn chỉ giới hạn ở một phần ba bề mặt hành tinh. Tuy nhiên đáy biển cũng là khu vực cần có khảo sát rất quan trọng.

“Nhu cầu nghiên cứu đối với hoạt động địa chấn đáy biển cũng vô cùng quan trọng”, Nathaniel Lindsey, tác giả nghiên cứu cho biết.

Lý giải cho quan điểm này, Nathaniel Lindsey cho rằng để tận dụng các dụng cụ sẵn có là rất cần thiết và tiết kiệm được rất nhiều.

Bằng cách theo dõi hiện tượng cáp bị uốn cong và ở mức độ nào đôi khi chỉ trong một vài nanomet sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra nguồn gốc của hoạt động địa chấn với mức độ chính xác rất cao. Kỹ thuật này được gọi là cảm biến âm thanh phân tán.

Hệ thống cáp mà nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dựa trên cơ sở hạ tầng dữ liệu dưới nước có chiều dài 20 km có thể phát hiện chuyển động nhỏ nhất của bề mặt mà chúng được gắn vào.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về việc sử dụng cáp quang ngoài khơi để xem xét các loại tín hiệu hải dương học. Nếu thành công, các dây cáp có thể được đưa vào sử dụng làm công cụ nghiên cứu và có thể giúp chiếu sáng điểm mù mà các nhà địa chấn học có được như hoạt động và tính năng của đáy đại dương.

Minh Long

Theo Techcrunch