Bí ẩn tâm lý vì sao một người có thể phạm tội khi tuân theo mệnh lệnh?

Trang Phạm

(Dân trí) - Vào thập niên 1960, nhà khoa học tại Đại học Yale có tên là Stanley Milgram đã thực hiện một trong những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng và gây tranh cãi nhất mọi thời đại.

Thí nghiệm tiết lộ cách con người hoàn toàn có khả năng thực hiện những cú sốc điện gây tử vong cho những nạn nhân vô tội khi được cấp trên ra lệnh.

Bí ẩn tâm lý vì sao một người có thể phạm tội khi tuân theo mệnh lệnh? - 1

Hơn nửa thế kỷ sau, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã tìm ra bí ẩn tâm lý đằng sau việc nhận lệnh từ các nhân vật có thẩm quyền làm thay đổi hoạt động não bộ của chúng ta, từ đó cho phép chúng ta đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức của chính mình. Thậm chí gây ra nỗi đau cho người khác mà không cảm thấy tội lỗi.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tuyển chọn 20 cặp tình nguyện viên, trong đó một thành viên của mỗi bộ đôi đóng vai trò “đặc vụ” trong khi người còn lại đóng vai trò “nạn nhân”.

Các “đặc vụ” được đặt trong một máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để có thể theo dõi hoạt động não của họ trong khi họ đưa ra một loạt quyết định về việc có nên thực hiện một cú sốc điện gây đau nhẹ cho “nạn nhân” để đổi lấy một phần thưởng nhỏ bằng tiền hay không.

Đôi khi, các “đặc vụ” được tự do lựa chọn có thực hiện cú sốc hay không. Trong khi những lúc khác, quyền quyết định thuộc về họ và họ nhận lệnh của các tác giả nghiên cứu.

Kết quả được công bố trên tạp chí NeuroImage tiết lộ rằng các phần não cho phép chúng ta cảm thấy đồng cảm và cảm thấy tội lỗi đã giảm hoạt động khi các “đặc vụ” được lệnh hành động. Hệ quả đó là các “đặc vụ” ít có khả năng xác định được nỗi đau của “nạn nhân” khi thực hiện một cú sốc điện theo lệnh.

Tác giả nghiên cứu Valeria Gazzola giải thích rằng: “Chúng ta có thể đo lường sự đồng cảm đó trong não vì chúng ta thấy các vùng thường liên quan đến cảm giác đau của chính chúng ta, bao gồm thùy nhỏ ở não trước và vùng vòng cung vỏ não trước hoạt động khi chúng ta chứng kiến ​​cơn đau của những người khác”.

Khi các “đặc vụ” được hướng dẫn thực hiện sốc điện cho “nạn nhân”, các vùng não liên quan đến sự đồng cảm này trở nên ít hoạt động hơn so với khi họ hành động tự do. Dấu hiệu thần kinh liên quan đến cảm giác tội lỗi cũng giảm đi khi các “đặc vụ” được lệnh gây sốc cho “nạn nhân” của họ.

Do đó, các nhà khoa học đã đi đến kết luận không có gì ngạc nhiên khi các “đặc vụ” thường ít gây ra cú sốc hơn khi hành động tự do hơn là khi thực hiện với mệnh lệnh. Tuy nhiên, trong một bước ngoặt bất ngờ, các “đặc vụ” lại đánh giá những cú sốc này là ít đau đớn hơn khi bị ép buộc xử lý, mặc dù trước đó đã được thông báo rằng các cú sốc sẽ luôn bằng nhau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi này trong hoạt động của não giải thích cách “tuân theo mệnh lệnh làm giảm bớt ác cảm của chúng ta đối với việc làm hại người khác” qua đó tiết lộ “mức độ sẵn sàng thực hiện các vi phạm đạo đức của mọi người bị thay đổi như thế nào trong các tình huống bị ép buộc”.