Bản đồ mới về “dấu chân”con người hủy hoại đa dạng sinh học

(Dân trí) - Một nhà khoa học của Đại học James Cook cho biết một bản đồ mới về các “dấu chân sinh thái” của loài người cho thấy 97 % các khu vực vốn đa dạng giống loài trên trái đắt đã thay đổi một cách nghiêm trọng.

Bản đồ mới về “dấu chân”con người hủy hoại đa dạng sinh học - 1

Giáo sư Bill Laurance của đại học James Cook đã tham gia một nghiên cứu để lập bản đồ tác động sinh thái của con người trên hành tinh này. Ông cho biết những thông tin cập nhật là không sáng sủa.

“Các vùng đa dạng giống loài nhiều nhất trên trái đất - đặc biệt là các khu rừng mưa nhiệt đới đã bị ảnh hưởng nặng nhất. Tổng cộng khoảng 97 phần trăm các khu vực giàu sinh học nhất của Trái đất đã bị thay đổi nghiêm trọng bởi con người”, ông nói.

Các nhà khoa học tìm thấy áp lực môi trường trên diện rộng, và chỉ một vài khu vực rất xa thoát khỏi thiệt hại.

"Con người là đối tượng tiêu thụ nhiều nhất trên trái đất. Với việc sử dụng đất, săn bắn và các hoạt động khai thác khác, chúng ta đang trực tiếp ảnh hưởng đến ba phần tư diện tích đất đai của Trái đất", giáo sư Laurance nói.

Các nhà nghiên cứu kết hợp dữ liệu thu nhận được từ những tiến bộ chưa từng có trong viễn thám với các thông tin thu thập được thông qua quan sát thực địa trên mặt đất.

Họ đã so sánh dữ liệu từ cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 1993 với những thông tin mới nhất sẵn có thiết lập từ năm 2009.

Giáo sư Laurance nói rằng 71 phần trăm các vùng sinh thái toàn cầu đã có sự tăng cường đáng kể dấu chân con người. Tuy nhiên, ông cho biết còn có một vài thông tin tươi sáng hơn.

"Trong khi các dấu chân con người toàn cầu tăng 9% giai đoạn1993-2009, tốc độ không tăng nhanh như tốc độ tăng dân số khoảng 25% - hoặc tăng trưởng kinh tế - trên 150 phần trăm - trong cùng kỳ".

Giáo sư Laurance nói các nước giàu và những nước kiểm soát mạnh mẽ tham nhũng đã có một số dấu hiệu cải thiện.

"Theo nghĩa rộng, các quốc gia công nghiệp và những nước có tình trạng tham nhũng thấp đã làm tốt hơn trong việc làm chậm lại sự mở rộng dấu chân con người so với các nước nghèo có khả năng quản lý yếu kém. Tuy nhiên ở nhưng các nước giàu có thu nhập đầu người cao hơn, vì vậy mỗi người tiêu thụ nhiều hơn so với những người ở các nước nghèo".

Giáo sư Laurance nói sự phù hợp của khu vực đất nông nghiệp dường như là một yếu tố quyết định đối với áp lực sinh thái xuất hiện trên toàn cầu.

"Điểm mấu chốt là chúng ta cần phải làm chậm sự phát triển tràn lan dân cư, đặc biệt là ở châu Phi và một số khu vực châu Á, và yêu cầu người dân ở các nước giàu tiêu thụ ít hơn", ông nói.

Các bản đồ dấu chân con người trên mặt đất toàn cầu được cập nhật, so sánh và dữ liệu cơ sở đã được công bố trên tạp chí Thông tin Tự nhiên (Nature Communications) và dữ liệu khoa học tự nhiên (Nature Scientific Data). Nhà khoa học Oscar Venter tại Đại học Northern British Colombia chủ trì nhóm nghiên cứu với sự hỗ trợ từ Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, Đại học James Cook, Đại học Colombia và các phòng thí nghiệm Green Fire ở Đại học Queensland.

Nhã Khanh (Theo Sciencedaily)