Ba “lỗ hổng” trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu

(Dân trí) - Tại Diễn đàn "Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp" của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức mới đây, đã có nhiều diễn giả là người quản lý khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chỉ rõ những điểm còn yếu và những giải pháp cụ thể để phát triển thị trường KH&CN theo Luật Chuyển giao công nghệ 2017.


Ông Phan Văn Hiệu thẳng thắn chia sẻ tại diễn đàn Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp.

Ông Phan Văn Hiệu thẳng thắn chia sẻ tại diễn đàn "Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp".

Tại diễn đàn này, ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT cuả Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN đã thẳng thắng chỉ ra ba lỗ hổng cần phải lấp đầy trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thậm chí được ví như việc vượt qua một “Thung lũng Tử thần”.

Theo ông Hiệu, ba lỗ hổng đó là: Lỗ hổng khám phá công nghệ; Lỗ hổng thương mại hoá; và Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.


Ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI.

Ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI.

Để bạn đọc hiểu hơn về câu chuyện này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hiệu.

Thưa ông, với góc nhìn của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp của ông được định giá 500 tỷ VNĐ. Vậy bí quyết ở đây là gì?

Ông Phan Văn Hiệu: Bài học quan trọng nhất của một doanh nghiệp vừa và nhỏ như CVI chúng tôi – là sự đổi mới tư duy về vai trò của KH&CN. Chúng ta đều thấy sức mạnh công nghệ đang hiện diện mọi nơi. Nó khiến vai trò của các doanh nghiệp truyền thống không còn như trước và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) đã trở thành những người chơi chiếm ưu thế.

Và KH&CN suy cho cùng là hướng tới phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của con người, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. KH&CN là vị nhân sinh. OECD, UN đã bắt đầu sử dụng những cách thức đánh giá và số liệu khác nhau từ chỉ số phát triển con người cho tới phương pháp đo lường hạnh phúc con người của Buhtan nhằm đánh giá chuẩn xác các giá trị mà công nghệ mang lại. Hướng đi và tốc độ phát triển của công nghệ đang quyết định các vấn đề như tuyển dụng, giáo dục, tìm kiếm thông tin, giải trí và làm việc.

Điều này đặt ra cho CVI một thách thức. Bởi vậy, trong 5 năm qua CVI đã đi tìm đề tài có sẵn tại các trường ĐH, viện nghiên cứu để thương lượng, phát triển sản phẩm. Hoặc đặt hàng xuất phát nhu cầu R&D và thị trường. CVI thường tài trợ ngân sách cho việc nghiên cứu, chế thử sản phẩm trong giai đoạn đầu. CVI cũng đã thành lập Trung tâm R&D.

Vậy trong quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và các đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp có gặp khó khăn, trở ngại gì không?

Ông Phan Văn Hiệu: Trong những năm qua, nhiều chính sách của nhà nước đã khuyến khích mối lương duyên này thông qua các Hội chợ Techmart, Techfesh, TechDemo. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn có được cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học và hình thành nên được một sự hợp tác hai bên cùng phát triển như doanh nghiệp chúng tôi.

Ở đây tôi muốn nói đến 3 bất cập hiện nay. Thứ nhất, bất cập về “Chợ thông tin KH&CN”: kết quả nghiên cứu chào bán chưa được công khai, minh bạch về thông tin (về kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học gồm: khả năng ứng dụng, mức độ hoàn thành, chi phí để hoàn thiện thành sản phẩm hoàn chỉnh, khả năng phát triển và cải tiến, năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học hoặc các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất kỹ thuật có thể tham gia hợp tác,....).

Thứ 2, bất cập về cơ chế định giá và hợp tác chuyển giao: Hiện nay, mặc dù đã có Luật Chuyển giao công nghệ 2017 nhưng việc định giá một sản phẩm KH&CN đang dựa trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu - vì thế, đôi khi, mức chi phí đắt hay rẻ lại phụ thuộc vào bản thân mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.

Thứ 3, bất cập về sở hữu trí tuệ và truyền thông, quảng bá các sản phẩm KHCN: Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhãn hiệu sản phẩm doanh nghiệp sau nhiều năm gây dựng được dấu ấn trong lòng công chúng, bỗng dưng một ngày, vì một lý do nào đó mà mối quan hệ với chủ công trình nghiên cứu khoa học có vấn đề và không được tạo điều kiện chuyển giao công nghệ để phát triển nữa? Rồi theo Luật Quảng cáo và văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay quy định doanh nghiệp không quy định rõ việc sử dụng tên tuổi, hình ảnh các nhà khoa học hoặc các trường ĐH/viện nghiên cứu vào việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Điều này khiến cho thông điệp truyền thông của doanh nghiệp bị giảm đi sức mạnh, không giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm có giá trị tri thức với các dòng sản phẩm đại trà.

Đúng là còn nhiều bất cập, nhưng điểm đáng mừng là Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã có hiệu lực. Hy vọng sẽ có một bức tranh mới cho việc hợp tác công - tư này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp mình, ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu?

Ông Phan Văn Hiệu: Theo quan điểm của tôi thì chúng ta nên quan tâm đến 3 vấn đề. Thứ nhất, đối với nhà khoa học, trường ĐH/viện nghiên cứu: Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam nên tuyên truyền, phổ biến các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật chuyển giao công nghệ 2017 mới ban hành.

Và để Luật đi vào cuộc sống thì phải tính đến việc đồng bộ hóa các luật liên quan. Và cần hạn chế tối đa các thủ tục để khỏi làm phiền đến các doanh nghiệp. Bộ KH&CN nên tập trung cải thiện thông tin trong thị trường KH&CN, tiếp tục phát triển các Sàn giao dịch công nghệ quốc gia, vùng miền và địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, nên đào tạo quản trị viên, thẩm định viên đủ nghiệp vụ thẩm định giúp cho việc xử lý thủ tục định giá sản phẩm được nhanh gọn, linh hoạt hơn. Thêm nữa, cần khuyến khích thương mại hóa tài sản trí tuệ thông qua công tác thi đua, khen thưởng với những giải thưởng lớn về KH&CN.

Đối với nhà khoa học, trường ĐH/viện nghiên cứu: phải mạch hóa thông tin nghiên cứu, không dấu thông tin về sản phẩm thương mại hóa với doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà khoa học, cơ quan chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phải là người đồng hành với doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm theo tiến độ và cấp độ và thích ứng với công nghệ sản xuất mới từ quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô sản xuất đại trà.

Đối với các doanh nghiệp/nhà đầu tư: hãy là các nhà đầu tư thông minh - hiểu rõ năng lực của doanh nghiệp trong việc tổ chức phát triển sản phẩm, có kế hoạch nâng cấp, truyền thông và xây dựng hình ảnh của sản phẩm. Cũng như vậy, hệ sinh thái cũng phải là sự kết hợp của cả hai bên - cơ chế xây dựng niềm tin ở đây rất quan trọng, đặc biệt ở Việt Nam khi mà luật hóa chưa thực sự tốt. Để tránh đổ vỡ, cần mạch hóa thông tin thông qua hợp đồng, cũng cần nâng cao nhận thức về những cơ hội chiến lược được cung cấp bởi các thị trường công nghệ và các quyền Sở hữu trí tuệ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (Thực hiện)