800 triệu đồng cho một đề tài nghiên cứu vẫn còn rất khiêm tốn!

(Dân trí) - Mặc dù Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác nhận lại với báo chí về việc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ trung bình 800 triệu/một để tài nghiên cứu nhưng xung quanh câu chuyện này vẫn còn những hoài nghi của dư luận xã hội. Để làm rõ thêm vấn đề, <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Đình Nguyên – Phó giám đốc Cơ quan Điều hành NAFOSTED.

Mức hỗ trợ trung bình là 800 triệu/một đề tài nghiên cứu

Phóng viên: Tại cuộc trao đổi với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh có đề cập đến việc trung bình một bài được công bố trên tạp chí uy tín là 800 triệu đồng và sau đó có giải thích thêm với Dân trí đó mức hỗ trợ cho một đề tài nghiên cứu/nhiệm vụ khoa học. Tuy nhiên vẫn có ý kiến hiểu nhầm rằng đây là chi phí để có một bài báo trên tạp chí uy tín. Xin ông giải thích rõ ràng hơn về vấn đề này?

TS Phạm Đình Nguyên: Như chúng ta biết, phần lớn các công bố đăng tải trên các tạp chí khoa học là kết quả của quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Cũng giống như mô hình ở hầu hết các nước phát triển, đối với các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, một phần kinh phí thực hiện được hỗ trợ bởi cơ quan chủ trì đề tài, một phần kinh phí do NAFOSTED tài trợ. Để trả lời chính xác cần chi kinh phí bao nhiêu cho một bài báo khoa học là rất khó.

TS Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc Cơ quan Điều hành NAFOSTED
TS Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc Cơ quan Điều hành NAFOSTED

Giai đoạn gần đây, NAFOSTED hỗ trợ cho một đề tài nghiên cứu cơ bản trung bình là 750 - 800 triệu đồng. Sản phẩm tối thiểu bắt buộc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là 2 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Ngoài ra các đề tài có thể có thêm một số sản phẩm khác nữa như công bố trong nước; các báo cáo tại các hội thảo, hội nghị khoa học…

Với yêu cầu về sản phẩm đầu ra cho các đề tài nghiên cứu với mức chất lượng quốc tế như vậy thì mức kinh phí hỗ trợ như đã nêu là khá thấp, nhưng các nhà khoa học cũng rất chia sẻ và cố gắng vì họ hiểu điều kiện kinh tế của Việt Nam còn khó khăn. Ở các nước Tây Âu, người ta tính trung bình để có được một sản phẩm công bố quốc tế sẽ tiêu tốn khoảng 120.000 -150.000 USD

Việc hỗ trợ và giám sát rất chặt chẽ

Vậy quy trình hỗ trợ cho mỗi đề tài sẽ được thực hiện như thế nào? Nguồn ngân sách được cấp sẽ được giám sát ra sao, thưa ông?

TS Phạm Đình Nguyên: Quy trình đánh giá xét chọn, ký hợp đồng tài trợ, cấp phát kinh phí cho một đề tài nghiên cứu khoa học rất chặt chẽ. Hàng năm Quỹ kêu gọi các nhà khoa học nộp đơn đăng ký công khai trên hệ thống website của NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ). Việc đánh giá, xét chọn đề xuất đề tài được thực hiện thông qua tư vấn của các Hội đồng khoa học ngành. Quỹ hiện nay có 16 Hội đồng khoa học ngành trong đó có 8 Hội đồng trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 8 Hội đồng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Mỗi Hội đồng đều gồm các nhà khoa học có uy tín và kết quả nghiên cứu nổi trội. Khi tham gia đánh giá các đề tài đăng ký thì Hội đồng khoa học làm việc theo nguyên tắc khoa học, minh bạch, khách quan và công tâm.

Mức hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu hiện này còn khá khiêm tốn
Mức hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu hiện này còn khá khiêm tốn

Chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật hiện nay có cạnh tranh, số đề tài nhận được tài trợ chỉ khoảng 50% so với số đăng ký.

Sau khi có kết quả đánh giá xét chọn của Hội đồng khoa học và kết quả thẩm định của Cơ quan Điều hành Quỹ, Hội đồng quản lý NAFOSTED mới xem xét, phê duyệt tài trợ cho các đề tài. Kết quả phê duyệt tài trợ của Hội đồng quản lý NAFOSTED cũng được công khai trên website của Quỹ. Ngay sau khi ký hợp đồng, các nhóm thực hiện đề tài được nhận kinh phí tạm ứng là 50% tổng kinh phí thực hiện. Sau mỗi năm, Quỹ tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện đề tài thông qua thường trực của các Hội đồng khoa học. Chỉ khi kết quả đánh giá định kỳ là tốt Quỹ mới cấp tiếp kinh phí cho các đề tài theo tiến độ đã được ghi trong hợp đồng.

Có thể nói đây là một quy trình rất chặt chẽ, nếu các nhà khoa học thực hiện không nghiêm túc thì cũng sẽ không được cấp tiếp kinh phí.

Có những đề tài chỉ được hỗ trợ 300-400 triệu

Vừa qua có ý kiến cho rằng, ở trên trang thông tin của Quỹ có những đề tài chỉ được hỗ trợ 300-400 triệu, lệnh nhiều so với con số gần 800 triệu đưa ra. Ông giải thích như thế nào về việc này?

TS Phạm Đình Nguyên: Trong các đề tài mà Quỹ tài trợ thì bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều đặc thù khác nhau. Có những đề tài nghiên cứu lý thuyết, nhóm nghiên cứu nhỏ với phần lớn kinh phí để hỗ trợ công nghiên cứu khoa học nên chỉ được tài trợ 300-400 triệu. Tuy nhiên có những đề tài cần có những khảo sát thực nghiệm, cần phải có kinh phí để mua sắm vật tư, nguyên vật liệu...

Phần hỗ trợ công nghiên cứu dành cho các nhà khoa học đều cơ bản như nhau ở các đề tài và mức chi không quá lớn. Phần còn lại như đã nói là rất đặc thù. Như vậy sẽ có đề tài được tài trợ không đến 800 triệu nhưng cũng có đề tài được tài trợ trên 800 triệu.


Trích việc phân bổ kinh phí cho một đề tài của ngành Khoa học Trái đất được Quỹ NAFOSTED tài trợ

Trích việc phân bổ kinh phí cho một đề tài của ngành Khoa học Trái đất được Quỹ NAFOSTED tài trợ

Tôi lấy một ví dụ cụ thể, như đối với một đề tài của ngành Khoa học Trái đất, ngoài công lao động khoa học thì có thêm phần kinh phí mua nguyên vật liệu; chi phí đi lại, công tác phí; phí dịch vụ thuê ngoài – (do có một số công việc đặc thù nhóm nghiên cứu chưa đủ các thiết bị để thực hiện ngay tại cơ quan chủ trì cần phải phối hợp với các đơn vị khác, thậm chí đơn vị ở nước ngoài); …

Yêu cầu sản phẩm đầu ra là tương đối cao

Như ông đã nói ở trên, đối với các đề tài được Quỹ hỗ trợ thì sản phẩm đầu ra phải có ít nhất hai bài báo trên các tạp chí ISI. Tuy nhiên hệ thống ISI thì có nhiều cấp bậc đánh giá khác nhau. Vậy để được Quỹ nghiệm thu thì báo cáo phải được đăng trên tạp chí ISI ở “đẳng cấp” nào?

TS Phạm Đình Nguyên: Việc Quỹ đặt ra yêu cầu đầu ra đối với đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên phải có ít nhất 02 bài báo ISI có thể nói là tương đối cao trong điều kiện Việt Nam. Hệ thống các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI là hệ thống các tạp chí được cộng đồng các nhà khoa học nói chung và các nước tiên tiến ghi nhận là danh mục các tạp chí khoa học tốt nhất.

Hiện nay có một số tổ chức đánh giá có phân chia các tạp chí thành 04 lớp chỉ số ảnh hưởng khác nhau, từ Q1 (ảnh hưởng cao nhất) đến Q4 (ảnh hưởng thấp nhất). Cần lưu ý rằng đây có thể xem là phân lớp chất lượng tạp chí một cách tương đối chứ không phải là phân lớp chất lượng các công trình khoa học đăng trên đó. Tuy nhiên, Quỹ cũng tham khảo đánh giá phân loại các tạp chí khoa học nói trên để xem xét, đánh giá chất lượng kết quả nghiên cứu thu được từ các đề tài Quỹ tài trợ.

Gần đây, hướng tới nâng cao chất lượng các sản phẩm thu được từ các đề tài do Quỹ tài trợ, sản phẩm đầu ra được yêu cầu phải có ít nhất hai bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Theo quy định của Quỹ , tạp chí quốc tế uy tín là các tạp chí ISI nằm trong 3 lớp hàng đầu (theo ISI) là Q1 - Q3, không tính lớp Q4.

Có thể nói tài trợ của chúng ta còn rất khiêm tốn nhưng đầu ra thì yêu cầu tương đối cao

Đối với các đề tài hỗ trợ trong thời gian qua thì kết quả nghiên cứu gần như người dân không được biết. Để biết được kết quả nghiên cứu của các đề tài thì người dân có thể tìm hiểu ở đâu?

TS Phạm Đình Nguyên: Kết quả chính của các đề tài nghiên cứu cơ bản NAFOSTED tài trợ như tôi đã trao đổi là phải có công bố khoa học, có nghĩa là công khai trên các tạp chí khoa học. Đây là một dạng kết quả, có đóng góp làm giàu tri thức, hiểu biết của nhân loại, người dân và các nhà chuyên môn hoàn toàn có thể tìm hiểu.

Bên cạnh đó, một số đề tài mặc dù là nghiên cứu cơ bản nhưng cũng đã có ngay những ứng dụng trực tiếp (chẳng hạn như đề tài nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa mà Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh vừa nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 vừa qua).

Một dạng kết quả nữa của các đề tài nghiên cứu, cũng rất rõ ràng nhưng trước nay chúng ta ít để ý, đó là đóng góp cho việc đào tạo sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nếu mỗi học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh, thông qua hỗ trợ của các đề tài nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, công bố được từ 01 đến 03 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thì chất lượng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam sẽ đạt chuẩn quốc tế. Và chúng ta cũng không phải lo về khả năng ứng dụng của các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học vì ít nhất chúng đã có một đóng góp rất rõ ràng vào phát triển kinh tế xã hội đất nước là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)