Không dễ tịch thu ô tô khi tài xế “nặng” hơi men

(Dân trí) - “Đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn tai nạn giao thông, xử nặng người uống quá chén là cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất tịch thu ô tô - tài sản hợp pháp của người khác là không được!”, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp lo ngại, nếu kiến nghị tịch thu phương tiện khi trong máu hoặc khí thở của người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở được thông qua, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội.

Theo TS Đinh Xuân Thảo, không đơn giản để tịch thu ô tô hợp pháp của người dân
Theo TS Đinh Xuân Thảo, không đơn giản để tịch thu ô tô hợp pháp của người dân

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong dịp Tết vừa qua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với tài xế “nặng” hơi men. Theo ông biện pháp này có quá “nặng tay” với người tham gia giao thông?

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn tai nạn giao thông thì xử nặng người uống quá chén là cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến việc tịch thu phương tiện, cụ thể ở đây là ô tô thì phải nghiên cứu cho kỹ. Thực tế, tịch thu tài sản hợp pháp của người dân không đơn giản như vậy.

Ngay cả Hiến pháp và Luật Dân sự quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản của công dân, theo đó không ai có quyền tước đoạt tài sản của người khác. Vậy, theo ông đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn có được cho là vi hiến hay không?

Trước tiên phải phân biệt rõ loại tài sản nào, sử dụng vào việc gì. Nếu như cái xe dùng để gây án thì là chuyện khác, nó còn nghiêm trọng hơn cả việc tịch thu phương tiện. Nghĩa là không chỉ tịch thu xe mà người dùng nó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn ô tô, xe máy được mua từ thu nhập hợp pháp của người dân, có đăng ký đàng hoàng, được Nhà nước bảo hộ thì không thể tùy tiện tịch thu được. Do vậy, rõ ràng đề xuất như vậy là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ô tô, xe máy không chỉ là phương tiện lưu thông trên đường mà còn là “cần câu cơm”, tài sản lớn của người dân. Ông có lo ngại nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu xe của dân bị tịch thu?

Phương tiện sở hữu hợp pháp của người dân là khối tài sản lớn, do vậy không thể nghĩ đơn giản là người điều khiển vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tịch thu, đấu giá đưa tiền vào công quỹ được. Ngay cả việc xe bị tịch thu đưa vào kho bãi dẫn đến hỏng hóc, xuống cấp thì thế nào, ai chịu trách nhiệm? Nói tóm lại thì tịch thu tài sản của người dân sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác. Còn việc tịch thu, liên quan đến luật pháp thì Quốc hội phải làm, phải bàn chứ không chỉ một vài văn bản hướng dẫn mà áp dụng ngay được.

Thực tế nhiều người điều khiển ô tô, xe máy nhưng không chính chủ (mượn, thuê) uống rượu bia quá chén. Nếu phương tiện đó bị thu hồi thì sao?

Không phải trường hợp nào đi xe cũng chính chủ và pháp luật cũng không cấm người này cho người kia mượn xe. Đây cũng là quyền dân sự bình thường của người dân, do vậy tịch thu tài sản không phải của người điều khiển phương tiện là không được.

Trường hợp này anh chỉ có thể phạt nặng người điều khiển phương tiện, thậm chí bỏ tù người vi phạm. Điều đó có nghĩa là ai vi phạm thì trừng phạt người đó, như thế mới công bằng, đúng pháp luật.

Có thể người đề xuất quy định này nghĩ đơn giản tịch thu phương tiện để buộc người vi phạm luật giao thông phải đền cho chủ xe. Theo tôi, nghĩ như vậy cũng không được vì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý người trực tiếp vi phạm chứ không thể tịch thu tài sản của người khác. Trong trường hợp người vi phạm không đủ điều kiện đề bồi thường, đến bù cho chủ xe thì sao?

Xin cảm ơn ông!

UB An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu phương tiện (ô tô, xe gắn máy…) và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe có nồng độ cồn quá cao (> 80mg/100ml máu hoặc > 0,4mg/1ml khí thở). Theo bạn:
Không nên tịch thu vì đó là những tài sản quá lớn và nhiều khi không phải của người lái
Nên tịch thu vì tính mạng con người là trên hết
Chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 năm
  

Quang Phong (thực hiện)