Tâm tư giáo viên tiểu học: “Chuyển mình” đón chương trình giáo dục phổ thông mới

(Dân trí) - Ghé thăm trường Trường tiểu học Trần Phú (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) vào những ngày đầu hè, cùng tiếng ve kêu râm ran, chúng tôi như được hòa chung không khí chuẩn bị khẩn trương, tâm thế háo hức pha chút lo lắng của những thầy cô giáo khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng.

Là một trong những giáo viên kỳ cựu, gắn bó với trường lâu nhất, cô Phạm Thị Tâm vui mừng vì bản thân cô và các đồng nghiệp đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc áp dụng chương trình giáo dục mới. Nhà trường đã chọn đội ngũ giáo viên của lớp 1 trẻ, khỏe và dạy tốt. Hè này, trường chuẩn bị chu đáo cho giáo viên đi tập huấn, thay sách giáo khoa. Tất cả công sức, tâm tư, tình cảm của toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên đặt vào chương trình đổi mới.

Cô Tâm mong rằng, chương trình mới đối với các em năm đầu bước vào tiểu học sẽ đảm bảo vừa phải, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, không quá nặng và cũng không ít quá để các em phát triển toàn diện.

Hiện cô Tâm dạy chính ở môn Toán, Tiếng Việt. Nữ giáo viên tâm sự, bản thân cô là thế hệ giáo viên đã có tuổi, dù nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng khả năng nắm bắt về thông tin, đại chúng tuyên truyền và kỹ năng ngoại ngữ, tin học có phần hạn chế hơn so với các giáo viên trẻ. Bởi vậy, cô cho rằng, bản thân sẽ phải “chuyển mình”, không ngừng trau dồi để bắt kịp yêu cầu thực tiễn và góp phần tốt vào việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tâm tư giáo viên tiểu học: “Chuyển mình” đón chương trình giáo dục phổ thông mới - 1

Cô Phạm Thị Tâm trong tiết dạy Tiếng Việt.

Thêm nữa, cá nhân cô còn băn khoăn vì đội ngũ giáo viên của trường còn mỏng và thiếu.

“Trường cô còn thiếu rất nhiều giáo viên văn hoá. Các cô dù nhiều tuổi rồi nhưng vất vả vì phải dạy tăng tiết nhiều. Cô kiến nghị cấp trên có thể bổ sung thêm giáo viên văn hoá đủ đứng lớp và cả những môn tăng cường để các giáo viên có tuổi được giảm tải một chút và đảm bảo chất lượng dạy học tốt”, cô Tâm chia sẻ.

Là giáo viên bộ môn tiếng Anh, cô Vũ Thi Dung mang tâm trạng hào hứng đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới. Nữ giáo viên bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế chương trình môn tiêng Anh phù hợp lứa tuổi học sinh, kênh tranh hình tăng cường phục vụ giảng dạy, chất lượng băng đĩa hiện đại hơn.

“Hiện, chúng tôi đang sử dụng bộ băng đĩa dài khi cho vào đài thì không thể nhớ bài, chẳng hạn nếu dạy đến bài 11 thì chúng tôi phải tua dò từ bài đầu tiên (nhất là đối với khối lớp 3, lớp 4) nên mất nhiều thời gian”, cô Dung cho hay.

Theo cô, các giáo viên của trường đã và đang được tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô giáo trẻ mong muốn trường có thêm cơ sở vật chất, có phòng riêng dạy tiếng Anh (hiện trường chỉ có duy nhất 1 phòng dạy tiếng Anh).

Tâm tư giáo viên tiểu học: “Chuyển mình” đón chương trình giáo dục phổ thông mới - 2
Cô Vũ Thi Dung (áo dài đỏ) tự nhủ, bản thân phải trở thành một người giáo viên thực sự truyền cảm hứng cho học trò.

Về cá nhân mình, cô Dung cũng cho rằng, bản thân phải nỗ lực hơn nữa để thực sự là một người giáo viên hiện đại. “Theo như tôi được tiếp cận, tiếng Anh trong chương trình phổ thông mới hướng đến xu thế cho học sinh tự nghiên cứu, giáo viên là người hỗ trợ, cảm hứng.

Bởi vậy tôi cho rằng, ngoài chuyên môn, các giáo viên phải tìm hiểu phương pháp nào dạy tiếng Anh được yêu thích nhất. Hiện tôi đang băn khoăn làm cách nào để tất cả học sinh say mê học tiếng Anh. Đó là câu hỏi rất quan trọng mà tôi và các giáo viên đồng nghiệp phải chú trọng tìm đáp án”, cô giáo tiếng Anh bày tỏ.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Lê Xuân Thắng - Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Phú nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp các em phát triển hài hòa về thể chất và tinh thân, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực để trở thành người công dân tốt, người lao động đáp ứng nhu cầu thời đại toàn câu hóa.

Bởi vậy, các thầy cô nhà trường luôn chú trọng dạy chữ, dạy người, dần chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện tiềm năng của học sinh, hài hòa đức, trí, thể, mỹ…

Ông Thắng cho hay, ban giám hiệu nhà trường đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 (từ năm học 2020-2021). Đồng thời, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, hội giảng giáo viên, chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm; phát động nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt có khen thưởng để khích lệ và góp ý rút kinh nghiệm. Phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của giáo viên là định hướng nòng cốt của trường.

“Tuy nhiên, nhà trường gặp phải khó khăn khi số lượng học sinh đông vượt hơn 9 lớp theo quy định, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu hiện tại, thiếu các phòng học bộ môn, thư viện, phòng chức năng khác. Từ việc tăng số lớp, số giáo viên được bổ sung ít đã làm tăng số tiết dạy của mỗi giáo viên, hiện tại nhà trường đang có 1,38 giáo viên/ lớp, phải hợp đồng thêm nhiều giáo viên”, vị hiệu trưởng cho biết.

Lãnh đạo nhà trường kiến nghị sớm có kế hoạch tuyển dụng nguồn giáo viên mới trong dịp hè, bổ sung thêm đủ số giáo viên tiểu học, giáo viên tin học nhất là các giáo viên trẻ có điều kiện về ngoại ngữ, tin học đảm bảo giáo viên đủ điều kiện để dạy và học 2 buổi/ ngày và theo yêu cầu để thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong năm học 2019-2020, theo kế hoạch nhà trường có 42 lớp nhưng đội ngũ giáo viên chỉ có 36 đồng chí thiếu 6 giáo viên tiểu học.

Cô Nguyễn Thu Hà (Tổng phụ trách Đội, giáo viên Âm nhạc) của nhà trường chia sẻ: “Thực ra đối với mỗi cái gì mới, đội ngũ giáo viên chúng tôi đón nhận vừa hồi hộp vừa lo sợ rằng không biết mình có đảm đương được không. Tuy nhiên, khi tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới học sinh sẽ được tiếp xúc với nhiều cái hay.

Tâm tư giáo viên tiểu học: “Chuyển mình” đón chương trình giáo dục phổ thông mới - 3
Cô Nguyễn Thu Hà chia sẻ, háo hức, hồi hộp là tâm trạng chung của các giáo viên khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng.

Bản thân các giáo viên chúng tôi khi được tập huấn, phát tài liệu tham khảo thấy không có nhiều vấn đề. Cùng với yêu cầu của thời đại, nền giáo dục cần sự chuyển mình và chủ động nhiều hơn của mỗi giáo viên để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất cho người học”.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm